Liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tham gia vào một hiệp ước ngầm để sự phân chia phạm vi ảnh hưởng trên thế giới hay không?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm quan trọng tới nước Mỹ từ ngày 23-25/9. Mục đích của chuyến thăm này là để làm xích lại gần hơn nữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đầy những khác biệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: svpressa.
Vào đêm trước chuyến thăm, Bắc Kinh đã đưa ra một cử chỉ thân thiện và tuyên bố rằng hai nước cần xây dựng "một mô hình mới của quan hệ giữa các nước lớn", nghĩa là không đối đầu mặc dù khác biệt.
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Seattle, ông Tập Cận Bình đã cam kết không phá giá đồng nhân dân tệ, tỏ ra tin tưởng vào sự kết thúc của thời kỳ hỗn loạn trên thị trường chứng khoán, chứng kiến lễ ký hợp đồng mua 300 máy bay Boeing và xây dựng nhà máy của hãng này tại Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương trên 550 tỷ USD trong năm nay.
Theo tờ Svobodnaya Pressa của Nga, động thái này của Bắc Kinh đã làm dấy lên các đồn đoán cho rằng Trung Quốc đang dùng đòn bẩy mở rộng hợp kinh tế có thể giúp xoa dịu những căng thẳng với Washington. Nó cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có tham gia vào một hiệp ước ngầm để sự phân chia phạm vi ảnh hưởng trên thế giới hay không?
Theo Alexei Maslov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược của Đại học Hữu nghị Nga-Trung, người đứng đầu Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học Kinh tế, Trung Quốc đang tỏ ra khá thành công trong việc dùng đòn bẩy kinh tế để tạo cho mình một tư thế ngang hàng mới Mỹ, tạo thế cân bằng trong các cuộc đàm phán với Washington.
Tuy nhiên theo ông, vị thế của Trung Quốc hiện nay vẫn còn yếu so với Mỹ. Trung Quốc vẫn còn rất cần thu hút các nhà đầu tư Mỹ trong ngành công nghiệp công nghệ cao, trong thị trường ngân hàng và tài chính.
Do đó, Bắc Kinh không thể đưa ra trực tiếp một đề xuất phân chia ảnh hưởng với Washington mà ngược lại còn phải xoa dịu các nhà đầu tư Mỹ bằng những cam kết trên.
Trong vấn đề địa chính trị, Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới việc Mỹ không can thiệp vào vấn đề khu vực Đông Á, ngừng mọi hỗ trợ cho Đài Loan.
Tuy nhiên, Mỹ phản đối một kịch bản như vậy do các hành động bành trướng của Bắc Kinh hiện nay khiến các quyền lợi của Washington đang bị Bắc Kinh đe dọa nghiêm trọng.
Sau chuyến thăm Washington lần này, theo Maslov, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ vẫn tiếp tục mở rộng, nhưng lập trường chính sách đối ngoại cũng sẽ tiếp tục đối lập.
Theo ông, bắc Kinh sẽ tiếp tục chỉ trích mạnh mẽ Washington, một biện pháp khá quan trọng trong việc chứng minh sự độc lập của họ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vượt qua ranh giới ngoại giao./.
Nguyễn Hường
(Giáo Dục)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét