Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Hoài Vũ - Bàn về vị trí Thủ tướng sau 2016


Phát biểu của ĐBQH Trương Trọng Nghĩa làm Hội trường QH nóng lên


Thời gian gần đây đã có nhiều phân tích của các nhà quan sát cả trong và ngoài nước về cơ cấu lãnh đạo cấp cao nhất sau đại hội đảng tại Việt Nam năm 2016. Hầu hết các tác giả đều đồng ý ở một số điểm chính như là một cơ cấu vững chắc hiện nay vẫn chưa có, để lại nhiều khả năng bất định. Nhớ lại thời điểm ngày 16/12/2010 tờ báo Asahi Shinbum của Nhật đã tiết lộ có được danh sách dự thảo nhân sự của Việt Nam, nhưng các nhà phân tích đã dự đoán nhân sự một cách tương đối chính xác từ trước đó khá lâu. Trong tình hình hiện nay, người viết soạn bài này gửi tới Dân Luận với mong muốn góp thêm một tiếng nói đánh giá tình hình, làm rõ phẩm chất, năng lực của các ứng viên và phân tích sự các lựa chọn đối với vị trí Thủ tướng. Như mọi người đã biết, trong thời gian ba mươi năm từ đổi mới trở về đây, vị trí Thủ tướng và văn phòng Thủ tướng ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Với xu thế kỹ trị ngày càng lấn dần vào phong cách lãnh đạo nhà nước, Thủ tướng chịu trách nhiệm điều hành trực tiếp và có trong tay bộ máy đầy quyền lực với các cơ quan trực thuộc như Thanh tra chính phủ trong thời gian gần đây đã thể hiện sức mạnh trong hệ thống chính trị Việt Nam. Vì vậy khuôn khổ bài viết này chỉ xin tập trung vào vị trí Thủ tướng, đối với các vị trí khác trong tứ trụ, hi vọng sẽ có dịp bàn với quý vị trong một bài khác.

Trước tiên, xin lược sử lại vị trí Thủ tướng trong nội các chính phủ Việt Nam qua các thời kỳ, nhất là những giai đoạn gần đây để thấy các cơ hội cho vị trí này. Nếu chỉ tính từ sau khi Việt Nam thống nhất 1976, đã có sáu người kinh qua vị trí Thủ tướng chính phủ (hoặc Chủ tịch hội đồng bộ trưởng): Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, và Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó kỉ lục giữ vị trí lâu nhất là ông Phạm Văn Đồng, làm 32 năm từ 1955 đến 1987. Thời gian gần đây thì có xu hướng bất thành văn là các vị trí lãnh đạo cao nhất thì không cá nhân nào làm quá hai nhiệm kỳ nên các Thủ tướng sau đó đều chỉ làm tối đa là hai nhiệm kỳ. Tất cả các vị trên đều đã kinh qua vị trí Phó Thủ tướng (Phó Chủ tịch hội đồng bộ trưởng) và nhiều trường hợp là Phó chủ tịch thứ nhất hội đồng bộ trưởng hoặc Phó Thủ tướng thường trực.

Như vậy có thể thấy, ứng viên cho vị trí Thủ tướng, theo như thông lệ trên thì sẽ được chọn ra từ các vị Phó Thủ tướng đương nhiệm. Trong đó có các ông: (danh sách sắp xếp theo thời gian nhậm chức, nếu đồng thời thì theo vần tên)

1 – Hoàng Trung Hải, sinh 1959, quê quán Thái Bình, từ 02/08/2007.
2 – Vũ Văn Ninh, sinh 1955, quê quán Nam Định, từ 03/08/2011.
3 – Nguyễn Xuân Phúc, sinh 1954, quê quán Quảng Nam, từ 03/08/2011.
4 – Vũ Đức Đam, sinh 1963, quê quán Hải Dương, từ 13/11/2013.
5 – Phạm Bình Minh, sinh 1959, quê quán Nam Định, từ 13/11/2013.

Sau đây xin được phân tích kỹ từng ưu thế và hạn chế của mỗi ứng viên trên cho vị trí Thủ tướng.

Ông Hoàng Trung Hải [i] có lợi thế là Phó Thủ tướng lâu nhất (8 năm) với kinh nghiệm phụ trách kinh tế ngành và cũng là người có thời gian ở trong Ban chấp hành Trung Ương (BCHTW) lâu nhất (14 năm). Ông được đào tạo cơ bản, tốt nghiệp đại học Bách Khoa Hà Nội, và còn học thạc sĩ quản trị kinh doanh ở trường ĐH Dublin, Ireland. Ông đã kinh qua các vị trí khác nhau trong doanh nghiệp (của tập đoàn điện lực hiện nay) cũng như từng có thời gian làm thứ trưởng Bộ Công Nghiệp. Nhưng các ưu thế về kinh nghiệm điều hành kinh tế này lại cũng đồng thời là khuyết điểm của ông. Các vị trí điều hành kinh tế cao cấp ông từng trải qua đều trong thời gian tương đối ngắn trước khi nhảy chức mới. Không hiểu trong quãng thời gian đó liệu ông đã có kịp quen với vị trí mới không, nhưng dấu ấn ông để lại thì không có, hay là nếu có thì chỉ toàn dấu ấn xấu: kết quả làm ăn bết bát của Tập đoàn Điện lực như việc đầu tư trái ngành sang cả lĩnh vực bất động sản, tài chính gây thua lỗ trong khi giá điện vẫn liên tục tăng và sản xuất điện trong nước không đủ phục vụ nhu cầu phát triển mà vẫn cần nhập khẩu giá cao, phụ thuộc vào Trung Quốc. Các vấn đề trên không hoàn toàn nằm ở trách nhiệm của ông Hải, nhưng khẳng định là có phần lớn. Bởi vì ngay cả sau khi rời Tổng công ty Điện lực thì ông Hải vẫn có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực này, cụ thể hiện tại ông đang là đương kim Trưởng ban chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Nhắc đến sự phụ thuộc của điện lực vào nhập khẩu từ Trung Quốc, phải nhắc tới điểm yếu trí mạng của ông Hải là ông bị gắn mác gốc tàu (có bố là người Hoa). Gần đây báo chí Úc còn phanh phui vụ Peter Tân Hoàng, được cho là có mối quan hệ huyết thống với ông Hoàng Trung Hải, đang bị điều tra về các cáo buộc lợi dụng đánh bạc trong các casino Úc để rửa tiền đã bị thanh toán thủ tiêu trong lúc tại ngoại chờ hầu tra.

Ông Vũ Văn Ninh [ii] tốt nghiệp học viện Tài chính và có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh (không rõ học ở đâu?). Ông đảm nhiệm vị trí phó Thủ tướng đã được một nhiệm kỳ, và đã có hai nhiệm kỳ nằm trong BCHTW đảng. Quá trình công tác và thăng tiến của ông chủ yếu ở Bộ Tài chính nhưng ông cũng có thời gian 3 năm (2003-2006) làm uỷ viên thường vụ thành uỷ, phó chủ tịch TP Hà Nội, tức là có kinh nghiệm làm việc tại địa phương, tuy không nhiều. Do ông khá kín tiếng, ít xuất hiện trên báo chí – so với các vị khác, không có các phát biểu gây chú ý, nên ông gần như là một gương mặt ít được nhận ra. Đáng chú ý là trước kỳ đại hội đảng toàn quốc lần thứ X (2006), khi đó ông Ninh đang làm việc ở Hà Nội, không được đề cử vào Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội nhưng vẫn có tên trong danh sách đại biểu thành phố tham dự đại hội đảng toàn quốc. Trong kỳ đại hội này ông trúng cử vào BCHTW và sau đó chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Việc ông Ninh không được tín nhiệm cao ở địa phương nhưng lại vẫn thăng tiến rất tốt ở trung ương có thể chỉ là do tình trạng phe cánh cục bộ tại địa phương nhưng chí ít cũng cho thấy là ông không có khả năng để thu hút và tạo sự đồng thuận từ trong tập thể mình công tác.

Ông Nguyễn Xuân Phúc [iii] lấy bằng cử nhân trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 1978, sau đó ông về công tác tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Hồ sơ của ông ghi trong thời gian ông công tác ở đây còn tham gia học quản lý kinh tế tại đại học quốc gia Singapore, nhưng không ghi là có lấy bằng gì. Nếu đối chiếu với phần học vị là cử nhân thì có thể nói là khoá học đó không cấp bằng, hoặc vì một lý do gì đó mà ông không lấy bằng. Thời kỳ Quảng Nam Đà Nẵng chưa tách riêng, ông đã kinh qua Giám đốc sở du lịch, Giám đốc sở kế hoạch và đầu tư. Sau khi tách tỉnh, ông về Quảng Nam và lên tới chức vụ phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trước khi được điều ra Hà Nội làm phó tổng thanh tra Chính phủ (hàm thứ trưởng). Từ thời điểm này có lẽ là thời kỳ thăng tiến nhanh chóng nhất của ông Phúc, ông được bầu vào BCHTW, phó chủ nhiệm thường trực văn phòng chính phủ, rồi Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ và trong đại hội XI được bầu vào Bộ chính trị. Ông Phúc có nhiều lợi thế như: có kinh nghiệm điều hành ở địa phương, lại từng kinh qua một số vị trí then chốt như phó tổng thanh tra chính phủ, Chủ nhiệm văn phòng chính phủ, phó Thủ tướng, và nhất là đương kim uỷ viên Bộ Chính Trị (BCT). Vì vậy ông Phúc là một ứng cử viên nặng ký cho vị trí Thủ tướng. Nhưng bắt đầu từ cuối năm 2013, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất thêm hai vị trí phó thủ tướng mới, trong đó đặc biệt là vị trí của ông Vũ Đức Đam đã chia sẻ nhiều trách nhiệm quan trọng của ông Phúc. Chi tiết xin được bàn sau trong phần về ông Đam. Nhưng vết nhơ lớn nhất của ông Phúc lại đến từ trang mạng chân dung quyền lực, nơi công bố rất nhiều hình ảnh tuy chưa được kiểm chứng nhưng có vẻ mang tính xác thực cao về khối tài sản khổng lồ của ông trên khắp các tỉnh thành trong nước, thậm chí ra cả nước ngoài với những bất động sản với cả địa chỉ chính xác tại Mỹ[iv]. Cũng theo trang này, ông Phúc không chỉ vượt xa cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền về khối tài sản khó giải thích nguồn gốc, mà còn vượt qua ông Truyền cả ở năng lực bổ nhiệm cấp tập hoàng loạt cán bộ cấp vụ trước khi rời vị trí Chủ nhiệm văn phòng chính phủ. Ông Phúc vốn là người thường hay xuất hiện trên cả báo chí lẫn truyền hình với những câu nói gây bão như câu “30% công chức cắp ô”[v]; nhưng trong suốt thời gian bị tấn công bôi nhọ từ phía chân dung quyền lực thì ông trở nên hoàn toàn im hơi lặng tiếng, không phản bác cũng như không có đính chính hay giải thích làm rõ gì. Tuy nhiên, gần đây khi trang chân dung quyền lực đã không còn hoạt động, ông bắt đầu xuất hiện nhiều trở lại, mà một trong các động thái đáng chú ý là ông là người đứng tên mời phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ sang thăm Việt Nam ngay sau chuyến đi Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm bất ngờ của ông Trương Cao Lệ chỉ được công bố ba ngày trước khi ông Lệ tới, diễn ra chóng vánh trong hai ngày, và sau đó ông Lệ cũng đã kịp mời ông Phúc sang thăm lại phía Trung Quốc. Ông Phúc chấp nhận và đã vừa hiện thực hoá bằng chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự hội chợ TQ-ASEAN và hội nghị đầu tư TQ-ASEAN trong thời gian từ 16-20 tháng 9[vi]. Yếu tố này nếu như ở giai đoạn trước thì có thể là điều kiện thuận lợi cho ông trong cuộc đua vào vị trí Thủ tướng; nhưng hiện tại trong tình hình xu hướng nghiêng về phương Tây và đa phương hoá quan hệ quốc tế của lãnh đạo Việt Nam thì một biểu hiện thân TQ thậm chí lại có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông, giống như bài học đối với ông Phùng Quang Thanh.

Ông Vũ Đức Đam [vii] là phó Thủ tướng trẻ nhất trong số các PTT đương chức, nhưng là người duy nhất có học vị tiến sĩ (không rõ cơ sở nào cấp, chuyên ngành gì?), và được đào tạo đại học tại Bỉ. Quá trình công tác và thăng tiến của ông Đam trải qua nhiều vị trí từ doanh nghiệp (Tổng công ty bưu chính viễn thông-nay là tập đoàn BCVT) tới tổng cục bưu điện, văn phòng chính phủ, và có cả thời gian ông về địa phương làm UV thường vụ tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh (2003-2005), lại ra trung ương làm thứ trưởng bộ Bưu chinh viễn thông (2005-2007), rồi lại về địa phương làm phó bí thư trường trực tỉnh uỷ Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh, rồi bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh. Thời gian tại chức và lên chức của ông Đam cũng rất nhanh chóng, nhưng khác với ông Hoàng Trung Hải, quá trình công tác của ông nổi lên một số điểm khá rõ: ông Đam có thế mạnh về ngoại ngữ, và công tác để lại dấu ấn. Cụ thể, thời gian từ 1994-2003 ông làm phó vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế, văn phòng chính phủ, rồi thư ký cho thủ tướng Võ Văn Kiệt và sau đó là trợ lý riêng cho ông Kiệt sau khi ông Kiệt về hưu. Để có thể làm thư ký riêng cho một người trong thời gian lâu như vậy, hẳn việc làm của ông phải vừa ý ông Kiệt. Cũng như vậy, việc ông liên tục chuyển công tác giữa địa phương với trung ương, vẫn về công tác tốt tại cơ quan cũ (bộ bưu chính viễn thông, văn phòng chính phủ) là minh chứng của việc ông làm việc có hiệu quả và được sự ủng hộ của đồng nghiệp. Thời gian ông làm ở Quảng Ninh, dưới cương vị lãnh đạo một địa phương đã để lại đây nhiều dấu ấn thay đổi căn bản, rõ rệt. Trong thời gian này, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Quảng Ninh đi từ nhóm trung bình lên nhóm cao và liên tục nằm trong top đầu những năm gần đây. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong tuyển dụng lãnh đạo các sở, ban ngành bằng thi tuyển công khai, cung cấp cho đội ngũ lãnh đạo kề cận một lực lượng trẻ, được đào tạo cơ bản, và có chuyên môn vững. Động thái của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị để ông Đam và ông Minh lên phó Thủ tướng ở gữa nhiệm kỳ, và chuyển giao nhiều nhiệm vụ từ ông Nguyễn Thiện Nhân cũng như ông Nguyễn Xuân Phúc cho thấy sự tín nhiệm và ủng hộ giành cho ông Đam. Tuy có nhiều ưu điểm như vậy, hạn chế của ông Đam so với ông Phúc là ông chưa phải là Uỷ viên BCT, trong khi ông Phúc là uỷ viên BCT. Nếu xét lại trong lịch sử vị trí tứ trụ của lãnh đạo Việt Nam từ sau đổi mới 1986 thì có ba trường hợp là các ông Lê Quang Đạo, Nông Đức Mạnh (cùng vào vị trí Chủ tịch Quốc hội) và Trần Đức Lương (vào vị trí Chủ tịch nước) mà trong nghiệm kỳ trước đó chưa là thành viên BCT. Cũng cần làm rõ là các trường hợp này đều khá đặc biệt bởi vì biến động rất mạnh mẽ trong tình hình nội bộ và ngoại giao của đất nước cũng như hàng ngũ lãnh đạo tại các thời điểm đó có thể dẫn đến việc khó tìm được một ứng viên trong BCT có thể thoả mãn các bên (1986: đổi mới, Lê Đức Thọ mất quyền lực; 1991: vừa bình thường hoá quan hệ với TQ; 1997: thay đổi lãnh đạo cấp cao giữa nhiệm kỳ, trường hợp này ông Trần Đức Lương đã ở trong BCT từ 1996, nhưng trước 1996 thì chưa). Như vậy có thể nói yếu tố là thành viên BCT trước khi được cơ cấu vào vị trí tứ trụ (một trong bốn lãnh đạo cao nhất) cũng không phải là yếu tố nhất định phải có.

Ông Phạm Bình Minh [viii] gần như chắc chắn sẽ không có cơ sở để xem xét vào vị trí Thủ tướng mà nhiều khả năng là giữ nguyên vị trí phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời vào BCT.

Trên đây tôi mạn phép phân tích cá khả năng cho vị trí Thủ tướng sau đại hội XII 2016. Hi vọng có thể góp thêm một tiếng nói làm rõ điểm mạnh yếu giữa các ứng viên, để thấy lựa chọn phù hợp nhất cho vị trí này, trên tinh thần dân chủ, minh bạch, và đóng góp. Như đã phân tích, vị trí Thủ tướng thời gian gần đây đã trở nên rất quyền lực nên người nắm vị trí này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của VN. Tuy nhiên các phân tích của giới quan sát hầu như chỉ tập trung sự chú ý vào vị trí của ông Dũng, việc ông Dũng có nắm chức tổng bí thư hay không, và các kịch bản sau đó. Vì vậy tôi soạn riêng bài này để tập trung phân tích các khía cạnh của yếu tố TQ đối với vị trí Thủ tướng. Những hậu quả của việc lãnh đạo cấp cao nhất thân TQ đã hiển hiện trong lịch sử đương đại như các trường hợp của Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh (có người trong số này thậm chí chỉ là thiếu cảnh giác, sợ tàu, dựa hơi tàu chứ không hẳn gốc tàu hay thân tàu mà hậu quả đã khó lường). Trong giai đoạn chuyển mình bước ngoặt có tính quyết định đối với vận mệnh dân tộc sắp tới đây, để lọt một người gốc tàu, hay một người thân tàu vào vị trí lãnh đạo cao cấp nhất là tội nghìn năm khó rửa cho dân tộc. Mong nhận được phản hồi, trao đổi từ quý vị độc giả.

Hoài Vũ

---------------------

(Dân Luận)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét