Tham nhũng khó có thể bị diệt trừ ở Việt Nam khi mà lợi ích của đảng cầm quyền gắn liền với tham nhũng.
Dư luận quan tâm đến tình hình tham nhũng ở Việt Nam sẽ không phủ nhận việc gần đây có nhiều vụ án tham nhũng, hối lộ bị đưa lên mặt báo chí. Có thể nói, báo chí đã góp phần đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng và những người làm báo tham gia cuộc chiến này đích thực là những chiến sĩ. Thế nhưng, tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn đó, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn nóng bỏng và quyết liệt bởi danh sách những người làm báo bị trù dập, bị hành hung ngày càng tăng ở mức độ nghiêm trọng. Từ Slovakia, nhà báo Trần Quang Thành từng là phóng viên của Đài tiếng nói Việt Nam, nổi tiếng với những bài viết chống tham nhũng và sau đó ông bị trù dập, bị tạt axit khiến dung mạo bị dị dạng, thân thể bị hủy hoại 81% trước khi qua Slovakia định cư. Từ những kinh nghiệm có được trong những năm tháng làm báo, nhà báo Trần Quang đã chia sẻ với CTV Dân Luận phần nào sự thật về tham nhũng ở Việt Nam và cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thông qua mặt trận báo chí là như thế nào?
Hàn Giang: Thưa ông! Ở Việt Nam tham nhũng là một quốc nạn, dù có sự nổ lực của toàn dân toàn chính quyền Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng nhưng có thể nói tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay vẫn ở mức nghiêm trọng nếu không nói thêm cụm từ “ vừa tinh vi vừa trắng trợn”, bản thân ông từng là nhà báo sống trong lòng chế độ cộng sản Việt Nam và cũng từng chống tham nhũng trên mặt trận báo chí vậy ông có thể cho biết một vài nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam, nó xuất phát từ nguồn gốc nào?
Nhà báo Trần Quang Thành: Nếu nói chống tham nhũng ở Việt Nam có tiến bộ thì nhận xét này không đúng mà phải nói là công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam hoàn toàn thất bại. Vì sao tôi phải nói vậy bởi các quan chức từ cấp xã cho đến cấp Trung Ương không ít thì nhiều đều dính vào tham nhũng. Điển hình thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố không chống được tham nhũng sẽ từ chức ngay nhưng thực tế khi thủ tướng đương nhiệm đã có rất nhiều vụ tham nhũng xảy ra. Tham nhũng ở Việt Nam vừa tinh vi hiện đại hơn vừa cực kỳ nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân là do một Nhà nước độc quyền Đảng trị thì sao không tham nhũng cho được. Một đất nước mà Đảng độc quyền lãnh đạo cho nên tham nhũng từ nguồn gốc này phát sinh.
Hàn Giang: Cách đây không lâu, ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định, còn ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Đánh chuột đừng để vỡ bình“. Ông hiểu thế nào về từ “ổn định” mà ông Tổng TTCP đã dùng và câu nói của ông Trọng? Nó có ảnh hưởng gì đến công cuộc chống tham nhũng ở nước ta hiện nay hay không?
Nhà báo Trần Quang Thành: Ông Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh chỉ nói theo lệnh mà thôi chứ trong bộ máy thanh tra cũng có những quan chức tham nhũng như vụ ông Trần Văn Truyền tham nhũng đất đai hoặc vụ ông Quách Lê Thanh ăn tiền hối lộ liên quan ngành dầu khí... như vậy làm sao chống tham nhũng được, chẳng có gì là ổn định, nói ổn định là lừa bịp. Còn ông Nguyễn Phú Trọng nói “đánh chuột đừng để vỡ bình” thì dĩ nhiên bình ở đây là Đảng rồi, những con chuột trong bình là những Đảng viên tham nhũng. Bình vỡ thì lũ chuột thoát ra ngoài càng chết dở, cứ để yên trong đó thì đỡ lộ hơn. Nói chung thì ông Trọng cũng chưa chắc chống tham nhũng mà chỉ hình thức. Ổng nói chống tham nhũng làm sao đừng để mất đoàn kết nội bộ rồi thế này thế khác, nói chống tham nhũng nhưng trong bụng ổng lại không muốn làm chuyện đó chứ không Đảng của ổng sụp đổ ngay. Nói chung các ông Trọng, Sang, Hùng, Dũng... nói vậy chứ không phải vậy
Hàn Giang: Báo chí đã góp phần đáng kể trong cuộc chiến chống tham nhũng và đã trả giá không ít như phóng viên_nhà báo bị hành hung, bị tù tội... tại sao được xem như cơ quan quyền lực thứ tư cuả Nhà nước khi tham gia cuộc chiến chống tham nhũng mà còn bị lãnh hậu quả như vậy thì với những người thấp yếu hơn làm sao dám chống tham nhũng được?
Nhà báo Trần Quang Thành: Nói như trên có phần đúng và phần chưa đúng. Các nhà báo của Đảng làm sao chống tham nhũng một cách trong sáng được. Nhiều lúc các vị ấy đi chống tham nhũng để đạt được cái mục đích, ít có nhà báo chống tham nhũng một cách nghiêm túc. Cũng có những người chống tham nhũng nhưng chính họ đang là những quân xanh, quân đỏ phục vụ cho một tập đoàn lợi ích này đánh một tập đoàn khác. Hiện nay báo chí Việt Nam hầu như phục vụ cho một nhóm quyền lợi nhiều hơn là phục vụ vì dân vì nước cho nên sự trong sáng của báo chí hiện nay có thể nói là đáng buồn. Báo chí Việt Nam hiện nay đang lạm dụng quyền lực thứ Tư của mình để phục vụ lợi ích nhóm, lợi ích quyền lực. Thủ đoạn của các nhà lãnh đạo dùng báo chí để phục cho mình, dùng báo chí là kênh truyền thông để cắt rễ những vây cánh làm ảnh hưởng đến quyền lực. Sau khi đạt được mục đích quyền lực của mình thì các nhà lãnh đạo cấp cao thường ban hành các định hướng phát ngôn của báo chí trong khuôn khổ của mình có nghĩa là chỉ đưa thông tin phát ngôn một chiều hoặc chỉ đưa tin nội bộ khi cho phép. Ví dụ các vụ án tham nhũng như: Vinashin, Vinalines... nói chung là các vụ án tham nhũng lớn báo chí có đưa tin được cận kẽ đâu, nó tham nhũng như thế nào? Cho nên chúng ta có thể nói bộ máy báo chí chỉ phụ cho nhóm lợi ích chứ không phục vụ chính cho quyền lợi đất nước
Hàn Giang: Bản thân ông cũng từng là phóng viên_nhà báo, ông có thể chia sẻ những vụ án tham nhũng mà ông biết cũng như ông có bị nguy hiểm nào trong hành trình chống tham nhũng của bản thân ông?
Nhà báo Trần Quang Thành: Ví dụ Vụ án Nguyễn Tăng Thắng ở Bình Thuận, là Đảng viên của ĐCS Việt Nam. Cách đây gần 30 năm, khi ấy ông Trần Bình Minh chỉ là phóng viên Bộ tài nguyên môi trường, ông Nguyễn Tăng Thắng tố cáo các quan chức tỉnh Bình Thuận chiếm dụng rừng Tánh Linh để làm của riêng liền bị đuổi ra khỏi Đảng. Ông Thắng theo đuổi tới cùng vụ án, có hình ảnh, quay phim chứng cứ đưa cho Trần Bình Minh và sau đó Trung Ương chứng nhận những tài liệu ông Thắng đưa ra là đúng. Bí thư tỉnh Bình Thuận bị cách chức, các quan chức khác bị đi tù. Ông Thắng ngoài việc được phục hồi Đảng viên chứ không được tuyên dương gì đáng kể. Ông Thắng còn bị đe dọa trả thù mà không được bảo vệ. Cho đến này không biết ông Nguyễn Tăng Thắng đang ở đâu.
Bản thân tôi, ngày trước khi tôi viết bài chống tham nhũng, và các thứ khác thì các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng thường bảo tôi đưa các thứ qua công an chứ viết bài không thì không có tác dụng gì cả. Cuối cùng tôi đưa tài liệu cho họ rồi tôi bị phản bội. Ví dụ vụ án đường dây buôn lậu thuốc lá năm 1990 có vướn nhiều quan chức trong đó có ông phó giám đốc công an Hà Nội là ông Vũ Đình Hoành được tôi cung cấp tài liệu để cơ quan chức năng phá rồi sau đó tôi bị trả thù tạc axit...
Ở đoạn phỏng vấn này do sai sót kỹ thuật nên người viết tạm viết thêm về những vụ án tham nhũng mà nhà báo Trần Quang Thành tích cực phanh phui qua tham khảo tài liệu như sau: Năm 1986, ông Thành chống tham nhũng tại Viện nghiên cứu Phát thanh-Truyền hình cụ thể ở đây là tố cáo ông Viện trưởng đã lạm dụng tiền mua thiết bị lắp đặt để hưởng chênh lệch giá. Qua báo cáo của ông Thành, công an vào cuộc kiểm tra và đã có được những chứng cứ. Sau đó, ông Thành và con bị mất việc làm. Năm 1989, ông Thành có viết bài về đường dây buôn bán phụ nữ ra nước ngoài mại dâm, dựa vào sức mạnh của người dân nên ông Thành có tất cả những tài liệu trong tay. Cơ quan công an tới xin ông Thành tài liệu. Họ còn đề nghị với ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ lúc bấy giờ là ông Mai Chí Thọ, các ông ấy yêu cầu ông Thành phải cung cấp tài liệu và ông Thành đã cung cấp. Vụ án bị phá từ Nam ra Bắc và ông Thành đã bị xã hội đen đe dọa giết.
Hàn Giang: Báo chí trong nước mắc hạn chế trong công cuộc chống tham nhũng vậy có lối mở nào cho báo chí ở cuộc chiến này không?
Nhà báo Trần Quang Thành: Chỉ có báo chí lề dân mới dám nói chứ báo chí lề Đảng thì không. Đảng còn tham nhũng thì báo chí lề Đảng sao nói được. Trong hàng ngũ báo chí cũng có người tham nhũng, ví dụ những ông phóng viên có cuộc sống giàu có, đại gia là nhờ vào đâu? Vì các ông ăn của tiền tập đoàn này đánh tập đoàn khác. Ngay trong thị trường chứng khoán nếu điều tra ra thì cũng có nhiều điều dính báo chí vào trong đó. Tôi nói với bạn (người phỏng vấn) nghe, nhiều nhà báo trong nước tôi không nghĩ các ông ấy là những người tử tế nhất là những nhà báo có đời sống khá gỉa, vương giả thì tôi càng không tin. Đấy là họ đang dính vào sự phân chia quyền lợi hay quyền lực trong các nhóm quyền lực quyền lợi. Các nhà báo chân chính để phanh phui sự thật khó lắm, không phải là không có nhưng họ không bị chết dở thì cũng bị trù dập theo các kiểu ví dụ như nhà báo Hoàng Khương hay vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị vợ đốt chết cũng đầy những ẩn khúc
Hàn Giang: Phải chăng ở Việt Nam rất yếu kém trong việc bảo vệ nhà báo?
Nhà báo Trần Quang Thành: Ở Việt Nam, các nhà báo chân chính khó mà được bảo vệ bởi vì các nhà báo chân chính nói lên sự thì không bị khổ này cũng bị khổ nọ. Cơ quan quyền lực chống tham nhũng là cơ quan công an nhưng chính những người cấp cao trong cơ quan công an lại tham nhũng, hối lộ, bao che tội phạm. Ví dụ vụ án hối lộ Quách Lê Thanh mà tôi chứng kiến chẳng hạn thì làm sao chống tham nhũng được. Kết luận độc tài Đảng trị còn đấy thì tham nhũng còn đấy. Còn nhà báo nào có tài giỏi bằng trời cũng chịu, bị trù dập hết
Hàn Giang: Trước những khó khăn và thách thức trong công cuộc báo chí chống tham nhũng, Ông có niềm tin là báo chí Việt Nam sẽ đóng góp tích cực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng hoặc là nó sẽ chùng xuống bởi những hậu quả đang diễn ra?
Nhà báo Trần Quang Thành: Nói đến tham nhũng ở Việt Nam thì ngày càng tăng, ngày càng phát triển, Việt Nam không thể chống tham nhũng được. Những vụ án tham nhũng đưa lên mặt báo chí tôi cho đấy chỉ là những kẻ trưng bày. Tôi nói bạn có thể cho là xúc phạm người này hay người khác nhưng tôi vẫn nói, ví dụ có những người nhận giải thưởng chống tham nhũng nhưng giải thưởng đó lại do kẻ tham nhũng đặt ra. Hay là, không có người nào chống tham nhũng mà công khai đi đến cơ quan công quyền này nọ được, tôi không tin. Đấy là những kẻ đặt ra để tuyên truyền.
Hàn Giang: Một câu hỏi cuối, với kinh nghiệm có được trong những năm tháng làm báo ông có thể chia sẻ vài kinh nghiệm cho các nhà báo còn đương công tác mà có lập trường chống tham nhũng, một vấn đề khá nhạy cảm ở VN hiện nay hay không?
Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi biết trong nước có nhiều bạn báo chí tích cực chống tham nhũng. Tôi lưu ý các bạn cách chống tham nhũng tích cực nhất, hiệu quả nhất là dựa vào lòng dân, đi xác dân, đi xác với quần chúng lao động. Mình nói cho họ (người dân) biết những luật lệ bởi vì có người chưa am hiểu về luật lệ, ví như khai sáng cho họ để họ tự đấu tranh và tự nhiên có một phong trào rầm rộ. Riêng nhà báo đã chống tham nhũng thì đừng có sợ, phải dũng cảm lên và cố gắng bảo vệ bản thân nhằm hạn chế trù dập. Nhà báo cũng cần tỉnh táo, đề phòng với những kẻ tung tin lợi dụng, đả phá cuối cùng chỉ có dân mới cung cấp thông tin chính xác cho mình, bảo vệ cho mình
Dân Luận cám ơn những ý kiến chia sẻ của nhà báo Trần Quang Thành./.
Hàn Giang
(Dân Luận )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét