Một khả năng đã và có thể xảy đến là Tổng Bí thư Trọng đã đi Mỹ bằng ‘gói công đoàn độc lập’, còn Tổng thống Obama sẽ sang thăm Việt Nam nếu Hà Nội chấp nhận ‘gói thả tù chính trị’.
Sinh nhật thứ 8
Ngày 19/9/2015, trong một cử chỉ đầy tính toán nhưng lại quên trù tính về mối trùng khớp như thể vinh danh cho sinh nhật lần thứ 8 cùng ngày của Câu lạc bộ nhà báo tự do (Điếu Cày), chính quyền VN đã tống xuất nữ tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần - thành viên của tổ chức này - sang miền đất Cờ Hoa.
Bị chính quyền hết sức căm ghét, nhưng Tạ Phong Tần lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh là một trong những phụ nữ kiệt xuất và dũng cảm nhất trên thế giới. Từ giữa năm 2015 và trùng với thời gian Bộ Ngoại giao VN “đang tích cực chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, đích thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Tần - tù nhân chính trị phải chịu án đến 10 năm vì bất đồng chính kiến và có người mẹ, bà Đặng Thị Kim Liêng, đã tự thiêu đến chết do quá uất ức trước bản án tàn dập cuộc đời con gái mình.
Từ đầu tháng 8/2015, đã có thông tin từ trại giam cho biết một số cán bộ của Bộ Công an “gợi ý” để Tạ Phong Tần đi định cư tại Hoa Kỳ. Thế nhưng cho tới lễ quốc khánh VN 2/9, bóng dáng Tần hay bất cứ tù chính trị nào vẫn biệt tăm, cho dù chính quyền cho đặc xá đến hơn 18.000 phạm nhân, kể cả số quan lại tham nhũng và nhiều tù hình sự thuộc loại cướp - giết - hiếp.
Vậy vì sao tù nhân chính trị Tạ Phong Tần lại được phóng thích sau ngày 2/9?
TPP?
Với Tạ Phong Tần, vụ tống xuất cô đã hiện thực hóa khi cuộc họp mang tính quyết định về hiệp định TPP sắp diễn ra vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 - như một thông tin mà Tổng thống Obama cho biết gần đây với thái độ đầy tự tin về kết quả “sẽ kết thúc đàm phán trong năm nay”.
Tạ Phong Tần cũng có vị trí đặc biệt trong danh sách yêu cầu trả tự do mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã chuyển cho phía VN trong thời gian gần đây.
Vào những năm trước, cụ thể là từ năm 2013 trở về trước, vai trò của tù nhân chính trị càng “đặc biệt” trong danh sách của Mỹ thì càng khó được thả - chiếu theo hệ quy chiếu “trả treo” của giới cầm quyền và công an VN đối với yêu cầu của quốc tế. Quan điểm mặc cả nhân quyền theo cách đè đầu dân thu thuế như vậy đã được chứng minh vào nửa cuối năm 2013, sau cuộc gặp Barack Obama - Trương Tấn Sang tại Washington, chính quyền VN đã chỉ thả nữ tù nhân Phương Uyên còn trẻ măng - người được một số nguồn tin cho biết cô nằm ở vị trí cuối cùng trong danh sách 5 tù nhân chính trị mà Mỹ yêu cầu VN thả. Còn 4 tù nhân chính trị khác - dĩ nhiên là “có giá” hơn - vẫn bị che khuất bởi bốn bức tường đen xỉn.
Chỉ đến năm 2014, trước triển vọng Nhà nước VN có thể được xét cho ngồi vào bàn tiệc TPP như hiện tượng từng xảy ra vào năm 2007 khi chính thể này được tham dự WTO, quan điểm mặc cả nhân quyền mới được “nâng lên một tầm cao mới”. Hàng loạt nhân vật dân chủ được xem là món hàng đổi chác lợi lộc như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Tiến Trung và trên hết là Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã được phóng thích.
Song việc Tạ Phong Tần được tự do, và có thể còn một số tù nhân chính trị khác cũng được như vậy trong thời gian tới, liệu có phụ thuộc hoàn toàn vào TPP?
‘Gói công đoàn độc lập’
Hãy đối chiếu với trường hợp Điếu Cày. Tháng 10/2014, Điếu Cày bất ngờ được thả trước thời hạn mãn án. Sự việc quá hiếm có này diễn ra chỉ 1 ngày trước khi Trợ lý ngoại trưởng phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động - ông Tom Malinowski - đến Hà Nội để tiếp tục đàm phán về vấn đề nhân quyền.
Nhưng đã có một sự đổi khác kín đáo. Nếu vào cuối năm 2014, Tom Malinowski không giấu được vẻ bất bình khi tuyên bố “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này lại bắt một chục người khác”, thì sang năm 2015, chính khách nổi tiếng cứng rắn về nhân quyền này lại đột ngột dịu giọng. Ngay cả khi một blogger bất đồng chính kiến tại Hà Nội là Nguyễn Chí Tuyến bị “côn đồ” đánh trọng thương vùng đầu và mặt vào tháng 5/2015, Malinowski cũng chỉ gọi sự hành hung đó là “ngu xuẩn”.
Hoàn cảnh được phóng thích của Điếu Cày và Tạ Phong Tần có thể khá khác biệt, xét trên phương diện đối ngoại của chính quyền VN. Nếu vào năm 2014 đã không có sự kiện đối ngoại quá đặc biệt nào, trừ chuyến đi hết sức lặng lẽ của Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị đến Washington, thì vào năm nay, nhân vật đứng đầu đảng cầm quyền ở VN là Nguyễn Phú Trọng đã có một chuyến làm việc tại Hoa Kỳ mà được giới tuyên giáo VN tung hô “chuyến đi lịch sử và thành công ngoài mong đợi”. Trước, trong và sau chuyến đi này, việc ông Trọng được người Mỹ đón tiếp ngay tại Phòng Bầu dục vẫn là một bí ẩn lớn.
Chỉ đến tháng 9/2015, qua một bài trả lời phỏng vấn báo chí nhà nước của một quan chức có trách nhiệm thuộc Quốc hội VN - ông Nguyễn Đức Kiên - dư luận mới phát giác những dấu hiệu khá rõ ràng về việc Nhà nước VN đã hầu như chấp nhận Công đoàn độc lập - một điều kiện bắt buộc về nhân quyền kèm với Hiệp định TPP. Hành động chấp nhận chưa từng có như thế có thể đã xảy ra từ đầu tháng 5/2015, trùng với thời điểm Tổng thống Obama nói chuyện tại nhà máy Nike, bang Oregon với lời khẳng định “Lần đầu tiên, Việt Nam sẽ phải để cho người lao động tự do thành lập công đoàn bảo vệ quyền lợi”. Còn sau đó ít ngày, Đại sứ Mỹ tại VN - Ted Osius - thông báo trên Đài tiếng nói Việt Nam “Mỹ sẽ tiếp TBT Nguyễn Phú Trọng với nghi thức cấp cao nhất”.
Bài trả lời phỏng vấn của quan chức Nguyễn Đức Kiên cũng dẫn đến một giả thiết có cơ sở là chuyến công du Mỹ vào tháng 7/2015 của TBT Trọng nhiều khả năng đã được đánh đổi bởi sự chấp nhận của VN về Công đoàn độc lập, thay vì thả hàng loạt tù nhân chính trị.
‘Gói thả tù chính trị’
Tạ Phong Tần không chỉ được đích thân Ngoại trưởng John Kerry công khai kêu gọi chính quyền VN trả tự do, mà rất nhiều khả năng cô nằm trong “gói nhân quyền” mà Washington vừa nêu ra một lần nữa với Hà Nội, liên quan mật thiết đến chuyến công du có khả năng diễn ra của Tổng thống Mỹ Obama đến VN vào tháng 11 tới, sau “gói Công đoàn độc lập” đã hoàn thành sứ mệnh “trao đổi” vào tháng 7/2015.
Vào giữa năm 2015, theo tiết lộ của Tiến sĩ Murray Hiebert - phó giám đốc Tổ chức nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và nghiên cứu chiến lược (CSIS) của Mỹ, ông Obama sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á -Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia vào tháng 11. Đây là dịp mà Obama có thể sẽ tính đến việc ghé thăm VN, nhất là khi Bộ Chính trị Hà Nội đã tạm gác bỏ thái độ đánh đồng Công đoàn độc lập hiện thời với Công đoàn Đoàn kết ở Ba Lan vào thập kỷ 80 từ thế kỷ trước.
Nếu trong thời gian tới, hai quốc gia Việt - Mỹ bắt đầu nêu ra những xác nhận về chuyến công du VN của Obama, hầu như chắc chắn rằng “gói tù nhân chính trị” có cơ sở vị tha của nó, theo đó sẽ còn một số tù nhân lương tâm khác được phía VN phóng thích trước hạn thụ án trong vài tháng tới, trước khi Obama sang VN.
Một khả năng luôn có vẻ xa xôi nhưng cũng không loại trừ yếu tố đột biến là Trần Huỳnh Duy Thức. Người được giới đấu tranh dân chủ rất kỳ vọng này cũng có thể được chính quyền VN trả tự do, tuy chưa biết số phận của anh có sẽ bị tống xuất sang Hoa Kỳ như Điếu Cày và Tạ Phong Tần hay không.
Chi tiết liên quan đến khả năng trên là dường như giữa Hà Nội và Washington đã đạt được một thỏa thuận ngầm nào đó, để ngay sau khi Tạ Phong Tần được phóng thích, phía Đại sứ quán Hoa Kỳ tại VN lập tức lên tiếng “hoan nghênh”, nhưng cũng không quên nhắc chính quyền VN cần tiếp tục thả nhiều tù nhân chính trị khác. Cũng đã bắt đầu manh nha vài tín hiệu từ phía chính quyền VN về việc có thể thả tiếp tù nhân chính trị trong tương lai gần.
Ở một góc độ khác, giới phân tích và quan sát chính trị cần để ý việc Tạ Phong Tần được phóng thích, và có thể còn một số tù nhân chính trị khác được trả tự do trong thời gian tới, đang phát ra tín hiệu về thế giằng co hình như chưa có gì thay đổi trong tương quan giữa các lực lượng chính trị trong đảng cầm quyền ở VN - khi Đại hội đảng 12 chỉ còn khoảng 4 tháng nữa sẽ diễn ra.
Phạm Chí Dũng
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét