Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Thảo Gạo - "Trận đánh đẹp" của Công an nhằm vào ba "Phản động viên"

H1

Đây là câu chuyện của một người được tham gia và chứng kiến từ đầu sự kiện những nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội đấu tranh tại đồn CA quận Hai Bà Trưng để buộc CA phải trả tự do cho sáu bạn trẻ của Lương Tâm TV bị bắt giữ tùy tiện, ngày 23/9.

Cùng nhiều anh em đấu tranh tại Hà Nội, chúng tôi có mặt tại đồn công an quận Hai Bà Trưng vào khoảng 18h30. Sau đó, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà báo Đoan Trang và bạn trẻ Lý Quang Sơn quyết định vào thẳng trong đồn để chất vấn. Song họ chỉ cho mình anh Đài vào. 40 phút sau, anh đi ra với câu trả lời rằng họ không biết gì cả, không giữ ai cả. Một vài nhân viên an ninh thường phục áp sát, đuổi anh về, cuối cùng thì chúng áp tải anh về tận nhà.

Những người còn lại rất nỗ lực để đối thoại với lực lượng công an tại đó, tuy vậy, thái độ bất hợp tác và bất lịch sự kiểu bề trên là tất cả những gì chúng tôi nhận lại. Chắc họ nghĩ “công an là bố dân”.

Khoảng hơn 20h, tin nhắn từ một người bạn bị bắt báo cho chúng tôi biết có người bị giữ trong đồn CA của quận Hai Bà Trưng. Mọi người quyết định tổ chức một cuộc biểu tình nhỏ ngay tại cổng, với hai khẩu hiệu: “Yêu cầu thả người” và “Phản đối bắt giữ tùy tiện”.

Như những lần khác, bạo lực từ phía công an, lại nổ ra ngay lập tức. Chúng nhắm vào những người đi đầu đoàn biểu tình, lao vào giật băng rôn, xô đẩy và đánh mọi người túi bụi. Tôi chứng kiến toàn bộ cảnh chị Đoan Trang bị chúng giật băng rôn, nhưng chị giằng lại, do đó chị bị xô đẩy, bị đánh; cũng như cảnh chú Nguyễn Sơn bị đánh ngã ra đất, cảnh Lưu Văn Minh bị chúng xúm lại đấm như giã gạo vào đầu, bóp cổ. Khi Minh bị đánh, chị Đoan Trang lao vào cứu thì bị chúng đập đèn pin vào miệng khiến chị rách môi, chảy máu.

Sau khi chảy máu miệng, chị đứng tựa lưng vào cổng sắt của đồn CA, và đồng thời tuyên bố sẽ đứng tại đó cho đến khi nào sáu người bị bắt được thả. Trước tình cảnh đó, rất nhiều tên an ninh xúm xít vây quanh chị để gây sức ép, đuổi chị ra. Thái độ của chúng vô cùng hung hãn. Thấy vậy, bạn Lưu Văn Minh ra sức bảo vệ chị và dằn giọng: “Tôi sẽ không đi khỏi đây chừng nào chị ấy còn ở đây. Tôi không thể để chị tôi đứng một mình chỗ này”. Và tôi cũng có mặt tại đó để đồng hành cùng hai người họ.

Cả đám công an áo xanh, dân phòng, bảo vệ đeo băng đỏ, và côn đồ đều xúm lại, mặt mày cực kỳ hung ác. Biết rằng Minh là con trai, sẽ là tâm điểm để chúng ra đòn, nên chị Trang ghé tai bảo: “Em đi ra ngoài kia đi”. Nhưng Minh vẫn nhất định không đi: “Không. Em không để chị ở đây một mình được”.

Khung cảnh lúc đó cực kỳ bi tráng. Mọi người đã bị an ninh dùng dây rợ (chúng gọi là “dây quang”) xô đẩy, và chúng lấy số đông, dùng sức, đẩy tất cả ra đầu phố, cách khu vực cổng đồn độ 30 mét. Chỉ còn ba đứa ở lại, tựa lưng và ghì chặt tay vào song sắt của cổng. Anh Chí, chị Lan Lê, Gió Lang Thang và chị Thảo Teresa chạy lại đưa nước uống. Chúng tôi tranh thủ gửi lại điện thoại, nhờ Gió báo cho bạn cũng như gửi lời nhắn để xin phép sếp nghỉ làm vào ngày hôm sau.

Rồi Anh Chí, chị Lan Lê, Gió và chị Thảo Teresa cũng bị bọn chúng đẩy ra xa, và chúng giăng dây biến cổng đồn thành khu vực bảo vệ, chặn tất cả xe qua lại. Chỉ còn ba đứa – Lưu Văn Minh, chị Đoan Trang, và tôi – vẫn đứng đó. Một viên công an mặc đồ cảnh sát giao thông, mang lon trung tá, tên là Lê Văn Phiêu, trước khi chỉ đạo lính xô mọi người đi còn quay lại chỉ mặt chúng tôi: “Để xong bọn kia rồi tao sẽ xử lý bọn mày”.

“NĂM MƯƠI ĐÁNH MỘT, CHẲNG CHỘT CŨNG QUÈ”

Suốt cả tiếng đồng hồ chúng tôi đứng đó, chúng thay phiên nhau đến vận động, dọa dẫm chúng tôi, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả lãnh đạo lẫn lính. Nhẹ nhàng đáp lại, chúng tôi nói chỉ muốn tìm bạn, chứ không muốn làm mọi chuyện ầm ĩ lên. Nhưng tất nhiên phía an ninh không hiểu những điều đơn giản đó. Có lẽ công an đã quá quen với việc người dân phải sợ họ dẫu họ có sai lè chăng nữa, nên khi có ai đó cả gan không sợ họ, không sợ bị bắt thì họ trở nên hung dữ hơn hẳn.

Biết chúng tôi đứng ép mình giữa các thanh inox của cổng (cổng là loại tự động đóng mở thông qua nút điều khiển của trực ban, mỗi lần mở ra khoảng cách giữa hai thanh inox hẹp lại) nên chúng liên tục ra vào để có cớ mở cổng, thậm chí là mở ra ba lần cho ôtô ra rồi lại vào.

Trong lần cuối mở cổng cho ôtô ra, chúng tranh thủ xô chúng tôi ngã và thế là cả bọn bâu vào khiêng chúng tôi ra đầu đường bên kia, tức là phía ngược lại với các nhà hoạt động khác. Một gã thanh niên mặc thường phục thò tay giật luôn cặp kính cận khỏi mắt tôi. Đã bị ngã lại bị cướp kính, tôi không còn nhìn rõ nữa, nhưng số lượng nhân sự dùng để “xử lý” ba đứa cũng vào khoảng 50 kẻ cao to, cả cảnh sát, an ninh, dân phòng, “quần chúng tự phát”…

Dơ đến nỗi chúng tập kịch ngay trước mặt chúng tôi, cho một tên an ninh quát sa sả vào mặt một “quần chúng tự phát” như thế này: “Ông ra ngoài kia ngay. Ông mà còn vào khu vực chăng dây này là chúng tôi bắt đấy, nghe chưa?”. Chắc hắn muốn thị phạm cho chúng tôi biết cách cư xử với an ninh. Đồng chí “quần chúng tự phát” cung cúc ra ngoài, nhưng lát sau, hắn đã là một trong những người tham gia vừa bẻ tay vừa đánh vừa đẩy chúng tôi ra xa.

Lần đầu cả bọn khiêng chúng tôi ra xa khỏi cổng đồn khoảng 30m, rồi quẳng ba đứa lại trên mặt đường, chăng dây và kéo cả hàng rào sắt ra chặn đường luôn. Một tay dân phòng vẫy tay rồi ghé mặt hắn sát vào tai tôi, nói qua sợi dây giăng giữa hai bên: “Đ. mẹ mày!”. Chị Đoan Trang trừng mắt nhìn hắn. Hắn vênh mặt nhìn lại, nhơn nhơn.

Cuối cùng, thấy chúng tôi vẫn đứng (ngoài khu vực bị chăng dây) và gào thét đòi trả kính, trả người, chúng nổi điên, tháo dây và hàng rào sắt ra, xông ra ngoài, tiếp tục đánh, lôi, rồi khiêng ba người đến tận cuối đường.

NỖI BUỒN “HẬU BIỂU TÌNH”

Đau đớn, mệt mỏi, buồn bã do phải chứng kiến, thậm chí là tâm điểm của bạo lực, chúng tôi đành lếch thếch đi bộ qua vài tuyến phố, tìm về với anh em…

Bị cô lập gần như từ đầu, chúng tôi không biết tình hình phía xa thế nào. Nhưng tôi tin chắc tất cả anh chị em vẫn đang chờ chúng tôi ngoài đó. Gặp được mọi người, ai cũng mừng mừng tủi tủi.

Tôi khóc. Anh Lượng ôm vai tôi an ủi, và có lẽ nếu có ai nhìn thấy, cũng không hiểu vì sao ở giữa “trận địa”, tôi không khóc, mà lúc này tôi lại trào nước mắt. Vì tủi thân ư? Không phải. Chỉ vì tôi rất muốn nói về những trải nghiệm của mình, về những người chị, người anh, người bạn của mình. Họ là chỗ dựa tinh thần cho tôi trong lúc khó khăn nhất. Họ đã làm tất cả, vì tôi, vì nhau, vì những người khác.

Tôi sẽ bao giờ quên được cảnh Minh nắm chặt tay chị Trang: “Không. Em không để chị ở đây một mình được”. Minh nói như thế trong khi một tên du đãng, tay cầm điếu thuốc, vẫn dí sát mồm hắn vào mặt Minh mà nghiến răng “đ. mẹ mày, mày thích gì…”. Và lúc xô kéo chúng tôi đi, bọn chúng vẫn đánh cậu ấy thùm thụp.

Vừa mới thôi, trong inbox của tôi, Minh viết: “Tao mệt quá Gạo ạ”.

Còn hôm qua tôi gặp chị Đoan Trang thì chị chỉ cười: “Đúng là nhừ tử em ạ”. Rồi chị trầm xuống, buồn rầu: “Chẳng bao giờ chị nghĩ trong đời lại có lúc chị nhảy ra giữa phố đánh nhau với an ninh như thế này. Từ bé tới giờ, đến con chó con mèo chị còn không đánh, nữa là con người”. Chị ấy nói thế trong lúc khắp cả hai cánh tay vẫn còn đầy vết bầm tím. Và, các bạn còn nhớ chứ, chân chị ấy vẫn còn đau nhiều lắm, cũng vì một cuộc xô xát tương tự với an ninh vào ngày 26/4, trong buổi tuần hành cuối cùng của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh…

Bất chấp ai nói gì, không ai có thể ngăn tôi ngưỡng mộ những người bạn của tôi!

Thảo Gạo

(Thảo Gạo Fb)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét