Làm cách nào để gìn giữ Biển Đông, trong khi Trung Quốc ngày một lấn lướt?
Bản tin VOA kể rằng chính phủ CSVN đang ra sức tăng cường hợp tác với Mỹ, Philippines để bảo vệ Biển Đông.
Bản tin ghi rằng Đô Đốc Paul Zukunft, Tư lệnh Lực lượng Tuần Duyên Hoa Kỳ, mới đây bày tỏ ý định muốn đào sâu hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin, tăng cường giao lưu và huấn luyện.
Báo The Diplomat hôm Thứ Tư trích dẫn các nguồn tin từ giới truyền thông địa phương, nói rằng Đô Đốc Paul Zukunft đã đưa ra phát biểu này trong một buổi họp hôm 21/9 với Trung Tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bài viết trên tờ The Diplomat nói rằng Hoa Kỳ và Việt Nam đã tìm cách củng cố quan hệ an ninh và quốc phòng giữa lúc hai nước đánh dấu 20 năm bình thường hoá quan hệ bang giao trong năm nay. Dựa trên biên bản ghi nhớ năm 2011, hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam đã được tăng cường trong 5 lĩnh vực chính: đối thoại cấp cao, an ninh biển, tìm kiếm và cứu nạn trên biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, và gìn giữ hoà bình.
Trong khuôn khổ các hoạt động đó, Hoa Kỳ trong thời gian qua đã tìm cách tăng khả năng của lực lượng tuần duyên Việt Nam, vốn đang phải đối phó với nhiều thách thức, kể cả việc tàu bè Trung Quốc xâm nhập các vùng biển của Việt Nam.
Hoa Kỳ không chỉ mở các khoá huấn luyện mà còn cung cấp các thiết bị cần thiết.
Song song với việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên hai nước, Hà nội đã đề ra một số biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng tuần duyên Việt Nam, chẳng hạn đầu tháng này, một luật mới được ban hành để cho phép lực lượng tuần duyên Việt Nam sử dụng vũ khí để đuổi các tàu nước ngoài xâm nhập bất hợp pháp các vùng biển của Việt Nam. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/10.
VOA ghi nhận:
“Ngoài tăng cường hợp tác với lực lượng tuần duyên Mỹ, Việt Nam còn cố gắng tăng hợp tác với Philippines trước mối đe doạ do Trung Quốc đặt ra trong Biển Đông.
Báo Want China Times của Đài Loan hôm nay tường thuật rằng các giới chức Việt Nam và Philippines loan báo hai nước sẽ ký hiệp định đối tác chiến lược vào cuối năm nay để củng cố các quan hệ quốc phòng, chính trị và kinh tế, kể cả hợp tác về vấn đề Biển Đông, mà Philippines gọi là biển Tây Philippines.
Ngoại Trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 2/9 nói với các nhà báo rằng đại diện của hai nước sẽ ký hiệp định này bên lề hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương sẽ được tổ chức tại Manila vào tháng 11 năm nay.
Tờ Want China Times dẫn lời phát biểu của Đại sứ Việt Nam tại Philippines, ông Trương Triều Dương, nói rằng:“Chúng tôi sẽ đào sâu hợp tác để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan tới Biển Đông theo phương cách hoà bình nhất có thể được, dựa trên luật pháp quốc tế.”...”
Trong khi đó, bản tin RFI ghi về tình hình nhiệm vụ tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông. Trong đó có một ngộ nhận rằng hải qua6ân Mỹ chống lại đảo nhân tạo TQ, thực ra là tình hình tế nhị hơn.
RFI kể:
“Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên phá vỡ nguyên trạng Biển Đông, biến bãi ngầm và rạn san hô thành đảo nhân tạo, với ý đồ quân sự hóa khu vực, mà hệ quả sẽ là hạn chế quyền tự do qua lại của tàu thuyền và máy bay nước khác. Trước tình hình đó, chính quyền Mỹ đã nhiều lần lên tiếng đe dọa là sẽ cho hải quân thâm nhập vào bên trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo để cho thấy là Washington không chấp nhận các hành vi của Bắc Kinh.
Theo báo mạng The Diplomat của Nhật Bản, các tuyên bố trên đây của Mỹ tuy nhiên đã bị hiểu sai là Mỹ muốn bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong lúc thực ra là Hoa Kỳ chỉ chủ trương khẳng định quyền tự do hàng hải chính đáng của Mỹ chứ không muốn đi ngược lại nguyên tắc luôn tuyên bố là không thiên vị bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Vấn đề được nhà báo Shannon Tiezzi nêu bật trong bài phân tích «Sự thật về nhiệm vụ tuần tra vì tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông (The Truth About US Freedom of Navigation Patrols in the South China Sea)», công bố ngày 22/09/2015, là việc cho tàu tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc không phải là hiển nhiên, vì phải tuân thủ những cơ sở pháp lý phức tạp....”
Một bản tin khác của RFI kể rằng Mỹ-Ấn-Nhật đang liên kết ở Thái Bình Dương.
Bản tin RFI kể:
“Bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đang diễn ra tại New York, vào hôm qua, 29/09/2015, Ngoại trưởng ba nước Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp tay ba đầu tiên. Trọng tâm cuộc họp là thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác giữa ba nước duy trì an ninh hàng hải ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tình hình ở Biển Đông được ba nước đặc biệt nhấn mạnh.
Trong bản thông cáo báo chí được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ công bố sau cuộc họp, ba Ngoại trưởng Sushima Swaraj của Ấn Độ, Fumio Kishida của Nhật và John Kerry của Mỹ đã nhấn mạnh trên tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và nhu cầu giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Một điểm rất đáng chú ý trong bản thông cáo là ba Ngoại trưởng Ấn, Nhật và Mỹ đã nêu bật mối quan ngại về tình hình Biển Đông khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của «quyền tự do hàng hải và hàng không, quyền làm thương mại mà không bị cản trở, kể cả ở vùng Biển Đông»....”
Việt Nam sẽ làm gì, và sẽ làm tới mức độ nào? Việt Nam sẽ kiên nhẫn thế nào, trước áp lực Bắc Kinh?
Hay cứ mãi đẩy ngư dân ra biển để chịu trận? Kiểu đó, ông bà mình gọi là “nín thở qua sông”... Nhưng than ôi, hễ “nín thở qua biển” là toi liền vậy.
Trần Khải
(Viêt Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét