Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS để can thiệp trực tiếp vào Syria.
Thực tế sau 1 năm, kể từ tháng 9/2014, cuộc không kích chống “Nhà nước hồi giáo” (IS) của liên minh 60 quốc gia do Mỹ đứng đầu đã thất bại ở cả 3 mục tiêu.
Mục tiêu chủ yếu đầu tiên là làm sụp đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Riêng mục tiêu này, Mỹ và đồng minh đã tiến hành từ năm 2011, đã 4 năm cho đến hiện giờ, thế nhưng như chúng ta đã thấy, thay vì ra điều kiện ông Assad phải ngay lập tức ra đi, thì ông Assad vẫn chưa ra đi và “phải ra đi nhưng không phải ngay bây giờ”…
Mục tiêu thứ 2 là xây dựng một lực lượng đủ mạnh, đủ uy tín chính trị để tiếp quản khi chính quyền Assad sụp đổ.
Chúng ta đã từng ngạc nhiên về sức mạnh, ý chí, của một nhà nước, quân đội do Mỹ xây dựng nên tại Iraq khi chỉ với 10.000 quân ở thuở mới ban đầu, lực lượng IS cũng đã đuổi đội quân gần 100.000 người của chính quyền Iraq chạy dài đến Baghdad, thế nhưng, so với việc xây dựng, đào tạo “Quân đội Syria Tự do” của Mỹ cho một Syria tương lai…thì vẫn chưa là gì, nghĩa là quân đội của Iraq vẫn còn hiệu quả chán, còn hùng mạnh chán.
Như vậy, hiện tại, Mỹ không có một lực lượng nào đủ khả năng đối trọng với chính quyền hiện hành ngoài kẻ thù là IS, Nusra-al Qaeda và Assad.
Mục tiêu thứ 3 là tiêu diệt IS.
Không cần biết vì sao, chỉ thấy rằng IS ngày càng phát triển hùng mạnh, nguy cơ đe dọa an ninh toàn khu vực và thế giới thì chứng tỏ gần 7.000 cuộc không kích của Mỹ để chống IS là thất bại, như “ném đá ao bèo”.
Lực lượng IS và lực lượng Nusra-al Qaeda chiếm gần 70% lãnh thổ Syria, nguy cơ một “Nhà nước hồi giáo IS” ra đời là hiện thực và cuộc di cư, tị nạn lớn nhất kể từ WW2 đã diễn ra khiến châu Âu lao lý…Đây là điều kiện chính trị thuận lợi nhất để Nga can thiệp trực tiếp, công khai, trên danh nghĩa chống IS (như Mỹ) vào Syria.
Có thể nói, Syria là một đất nước có vị trí chiến lược tại Trung Đông, nằm phía Đông Địa Trung Hải gần kênh đào Sue của Ai Cập, là đồng minh còn lại của Nga ở Trung Đông. Vì thế Nga quyết giữ, do đó bảo vệ bằng được chính quyền của Tổng thống Assad, còn Mỹ và NATO quyết chiếm bằng việc lật đổ ông Assad. Điều thú vị là cả hai, Nga và Mỹ đều cùng một lý do chính đáng là chống IS.
Trong cuộc đối đầu này, Nga có 2 lợi thế lớn mà nó có tính quyết định thành bại cuộc chiến:
Thứ nhất là Nga có 2 căn cứ quân sự Hải quân và Không quân ngay tại Syria. Từ 2 căn cứ này, Nga có thể triển khai hoạt động quân sự ngay và luôn thay vì như Mỹ phải mượn căn cứ không quân tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai là, nếu như thực tế cho thấy, giải quyết chiến trường chỉ có thể bằng “lực lượng mặt đất” thì Nga có lực lượng mặt đất là quân đội Syria của Tổng thống Assad trung thành, thiện chiến, cộng với đội quân người Kurd, Hezbollah và quân đặc nhiệm Iran. Khi Nga trực tiếp vào Syria đã khiến quân đội Syria phấn chấn, tinh thần lên cao, ngược lại quân đối lập đâu đó đã hoảng loạn, họ biết rằng, mức độ ác liệt không như trước. Trong khi đó Mỹ chỉ lợi dụng IS và quân nổi dậy Syria để lật đổ chính phủ hiện hành, còn lực lượng mặt đất của Mỹ chỉ có lực lượng “Quân đội Syria tự do” như ta đã biết, lực lượng này chỉ biết đầu hàng và dâng vũ khí cho IS và Nusra-Al Qaeda khi về nước.
Đáng tiếc là liên minh do Mỹ đứng đầu không một ai dám đưa quân đội của mình đến Syria và Iraq để tác chiến trực tiếp với IS cho nên Nga có lợi thế tuyệt đối về điều quyết định này.
Việc Nga xuất hiện, can thiệp tại Syria khiến Mỹ không ngờ và lúng túng.
Không ngờ vì cho rằng Nga đang bị kìm chân ở Ukraine, Nga đang “bị thương” trước cuộc trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây.
Lúng túng là không chấp nhận Nga vào Liên minh chống IS và Nusra-al Qaeda thì Nga cũng tự thành lập liên minh riêng để chống IS. Còn nếu chấp nhận Nga, có nghĩa là Mỹ “vô tình” bảo vệ chế độ Assad.
Vì Mỹ không có lý do gì để ngăn cản Nga chống IS, do đó, không kích IS với Nga chỉ là vấn đề thời gian. Cho nên, trong những điều tệ hại thì Mỹ sẽ phải chọn điều ít tệ hại nhất, đó là, đồng ý để Nga gia nhập liên minh chống IS và ra giá với Nga trong chính quyền Syria tương lai, nghĩa là coi chính quyền hiện hành của ông Assad là chuyển tiếp, ông Assad phải ra đi nhưng không phải bây giờ.
Thỏa hiệp này sẽ làm “tan nát cõi lòng” những quốc gia Trung Đông có ý muốn lật đổ ông Assad và gây hoảng loạn cho IS và Nusra-al Qaeda bởi cuộc không kích bây giờ bản chất đã khác.
Liệu Mỹ và IS có biết câu câu chuyện ngụ ngôn “Con chó và người đi săn”, rằng, “khi người đi săn cảm thấy con chó không còn tác dụng thì người đi săn phải biết ăn thịt chó” hay không? Liệu, Mỹ trong thế bí, sẽ bất chấp, biến IS thành “lực lượng mặt đất” của mình hay không? Thời gian sẽ trả lời.
Với Nga tại Syria đã có đủ lợi thế về chính trị, quân sự, tuy nhiên, tiêu diệt và làm tan rã IS, một lực lượng đã được trưởng thành, đủ các thành phần vũ khí trang bị như xe tăng, đại bác, tên lửa… không phải là chuyện đơn giản như nói. Để không bị sa lầy thì nghệ thuật tác chiến, tìm ra các tử huyệt trên chiến trường Syria phải như thế nào…là một câu chuyện khác của Bộ Tham mưu quân đội Liên bang Nga.
Lê Ngọc Thống
(Blog Lê Ngọc Thống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét