Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

TPP giúp Tổng thống Obama củng cố chiến lược xoay trục về châu Á

Việc hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP)- một thỏa thuận thương mại tự do đã bị trì hoãn nhiều lần- với các nước châu Á- Thái Bình Dương đã diễn ra vào thời điểm thích hợp cho Tổng thống Mỹ Barack Obama, bởi nó là hiện thân cho cam kết trước đó của ông là xoay trục về lục địa đông dân nhất thế giới này.


Sau những chần chừ do dự ở Trung Đông và đặc biệt ở Syria làm dấy lên một loạt chỉ trích, giờ đây ông Obama có thể khẳng định một thắng lợi ngoại giao thực sự trong bối cảnh còn chưa đầy 16 tháng nữa là kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Điều đó chứng tỏ ông Obama có thể vượt qua cản trở từ Quốc hội Mỹ. Trọng tâm trong chính sách đối ngoại của ông Obama- chiến lược tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á- được bà Hillary Clinton phổ biến rộng rãi khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. Chiến lược này nhằm đóng góp nhiều hơn các nguồn lực ngoại giao, an ninh, kinh tế và hướng sự chú ý tới châu Á sau một thập kỷ Mỹ bị chi phối bởi các cuộc khủng hoảng ở Trung Đông và các cuộc chiến tốn kém ở Afghanistan và Iraq. Ông Obama nói rằng thỏa thuận đạt được hôm 5/10 giúp "tăng cường quan hệ chiến lược của chúng ta với các đối tác và đồng minh trong khu vực quan trọng của thế kỷ 21".

Đáng chú ý, Trung Quốc không phải là một đối tác trong TPP- hiệp định quy tụ 12 quốc gia đại diện cho khoảng 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu. 12 quốc gia đạt được thỏa thuận sau 7 năm đàm phán gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Gần 7 năm trước, khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama đã bày tỏ ý định vạch ra tiến trình mới. Phát biểu tại Tokyo hồi tháng 11/2009 khi khởi động chuyến công du đầu tiên tới châu Á, ông Obama nói: "Với tư cách là tổng thống Thái Bình Dương đầu tiên của Mỹ, tôi cam kết rằng quốc gia Thái Bình Dương này sẽ tăng cường và duy trì sự lãnh đạo của chúng tôi ở khu vực vô cùng quan trọng này của thế giới... Tương lai của Mỹ và châu Á có mối liên kết chặt chẽ". Vào thời điểm đó, ông cũng tuyên bố ý định của Washington muốn "tăng cường khối liên minh cũ và xây dựng quan hệ đối tác mới trong khu vực".

Douglas Paal của Viện Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế cho rằng hiệp định thương mại vừa được ký kết ở Atlanta, Georgia (Mỹ) đã tiếp thêm "nguồn sinh lực mới" cho chiến lược tái cân bằng và thúc đẩy sự can dự của Mỹ tại châu Á. Theo ông Paal, trong những thập kỷ trước, người ta có thể nói rằng Washington chỉ đơn thuần "tiếp tục những can dự quân sự của họ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai" trong khu vực, nhưng giờ đây Mỹ đang tăng cường những nỗ lực ngoại giao để đạt được đỉnh cao như những năm 1990.

Chỉ 10 ngày sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm Washington, ông Obama đã thận trọng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tạo ra đối trọng trong khu vực để đối phó với Bắc Kinh. Ngày 5/10, ông Obama nhấn mạnh: "Khi mà hơn 95% khách hàng tiềm năng sống bên ngoài biên giới của chúng ta, thì chúng ta không thể để cho những quốc gia như Trung Quốc lập ra luật lệ của nền kinh tế toàn cầu". Bình luận này rõ ràng hướng đến mục tiêu chính trị trong nước. Tổng thống Obama biết rõ rằng việc kêu gọi Quốc hội hậu thuẫn ông trong hiệp định thương mại này sẽ không hề dễ dàng. Đảng Cộng hòa đang kiểm soát Quốc hội Mỹ và người Cộng hòa không muốn trao chiến thắng trọn vẹn cho ông Obama.

Bởi vậy, ông Obama có ý định sử dụng những ý kiến hoài nghi chống Bắc Kinh để xoay chuyển những người đối lập. Ngay trong đảng Dân chủ, ông Obama cũng đang đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ, những người lo ngại rằng hiệp định này sẽ khiến người Mỹ mất đi việc làm. Thông thường, các nghị sĩ Cộng hòa vẫn thường ủng hộ các hiệp định thương mại tự do, song năm nay trong đảng Cộng hòa đã xuất hiện một số mâu thuẫn về vấn đề này. Theo dự luật được thông qua hồi tháng 6/2015, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu thông qua hoặc bãi bỏ hiệp định này, nhưng không có quyền sửa đổi nó. Quy trình này sẽ kéo dài vài tháng và Nhà Trắng đã từ chối đưa ra lộ trình kế hoạch.

Đối với ông Paal, nếu TPP thực sự là "thông điệp gửi tới Bắc Kinh" rằng Mỹ có ý định củng cố vai trò ảnh hưởng của họ ở châu Á, không nên suy diễn rằng TPP sẽ là một trong những phương cách để loại trừ Trung Quốc. Ông nói: "Nếu Trung Quốc thành công trong việc hoàn tất các cải cách kinh tế- tất nhiên chỉ mang tính giả thuyết- trong 2, 3 hay 5 năm tới, thì họ sẽ muốn trở thành một phần của TPP". Trung Quốc có thể nhìn nhận TPP là động cơ tăng trưởng mạnh mẽ vào thời điểm khi nền kinh tế khổng lồ của châu Á này đang "kiệt sức". 

Theo The Straits Times (dẫn nguồn của AFP)

Văn Cường (gt)

(Nghiên Cứu Biển Đông)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét