Di dân là việc một số lượng lớn người di cư, chuyển đến một nơi ở mới, để tránh một hoàn cảnh bi đát nào đó ở quê nhà. Thông thường, hoàn cảnh bi đát đó là chiến tranh, dịch bệnh, sự đàn áp hoặc đói nghèo. Những người dân di cư này còn được gọi một tên khác là người tỵ nạn. Hiện nay trên thế giới có những dòng người di cư chính như: từ châu Phi sang châu Âu, từ các nước Trung Đông sang châu Âu, hoặc mức thấp hơn là từ Mê-hi-cô sang Hoa Kỳ...
Trong mấy tuần gần đây, việc nước Đức của thủ tướng Angela Makel mở cửa biên giới, đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu mở cửa đón nhận dòng người tỵ nạn từ Syri là một nghĩa cử cao đẹp. Một số lượng lớn người nhập cư được châu Âu đón nhận là niềm vui không chỉ đối với những người dân di cư đó, mà còn là của toàn thể cộng đồng quốc tế, người dân khắp nơi trên thế giới. Nước Mỹ cũng chủ động mở cửa đón nhận một số lượng lớn người tỵ nạn Syri. Như vậy, đây là một xu hướng mới trong việc ứng xử với những dòng người tỵ nạn hiện nay.
Việc hội nhập của những người dân di cư vào các xã hội mới thành công hay thất bại ảnh hưởng rất nhiều tới thái độ và ứng xử tiếp theo của các quốc gia thu nhận dòng người di cư này. Bản thân các quốc gia đã tiếp nhận những người tỵ nạn tất nhiên cũng biết những khó khăn, phức tạp và sự hy sinh của người dân nước họ để đón nhận những người di cư. Điều mà họ lo lắng nhất, dễ dẫn tới thái độ kỳ thị và chấm dứt việc tiếp nhận người nhập cư nhất đó là vấn đề an ninh cho người dân bản địa. Nếu như trong số dân di cư, có các lực lượng của An-qaeda, của IS, của Ta-li-ban và nói chung là hồi giáo cực đoan trà trộn vào để xảy ra khủng bố ở các quốc gia dân chủ châu Âu, Mỹ thì coi như xu hướng đón nhận người tỵ nạn sẽ dừng lại, hoặc tối thiểu sẽ bị xem xét nghiêm khắc, gián đoạn.
Để giải quyết vấn đề an ninh cho các quốc gia tiếp nhận người di cư, cần có một giải pháp đột phá. Giải pháp đó mới nghe có thể gây sốc, nhưng khi trình bày đầy đủ, tường tận cách thực hiện, cơ chế giám sát thì mọi người sẽ nhận ra tính tối ưu của giải pháp này, và đó cũng là xu hướng an ninh chung cho tất cả các quốc gia, chứ không chỉ dành riêng cho người tỵ nạn.
Giải pháp đột phá, đó là cần có mã số an ninh điện tử cá nhân cho mỗi người dân di cư, tuy nhiên phải tách bạch cơ quan quản lý mã số điện tử cá nhân và cơ quan quản lý, theo dõi di chuyển của mã số điện tử. Có nghĩa là, có một cơ quan riêng biệt, biết được tên tuổi, địa chỉ của mã số điện tử cá nhân, ngoài ra không ai được biết. Đồng thời có một cơ quan theo dõi sự di chuyển, lịch sử di chuyển của các mã số điện tử. Hai cơ quan này hoàn toàn độc lập, và nên giao cho hai ngành riêng biệt, hành pháp và tư pháp quản lý. Nếu như không có việc gì xảy ra, người dân (di cư) vẫn hoàn toàn tự do, không bị ai theo dõi và cũng không ai biết được họ đang ở đâu (bởi vì cơ quan nắm giữ hồ sơ mã số điện tử nhưng lại không có thông tin sơ đồ di chuyển, lịch sử di chuyển của người dân. Cơ quan có sơ đồ di chuyển, lịch sử di chuyển của mã số, nhưng lại không biết mã số của ai). Nhưng khi có biến động, có khủng bố hoặc những vấn đề nghiêm trọng, tòa án sẽ xem xét để các điều tra được quyền tiếp cận hai cơ quan này để điều tra và dùng làm chứng cứ. Như vậy, hồ sơ mã số điện tử, lịch sử di chuyển của những người trong phạm vi vụ việc mới được khớp nối để phục vụ công tác điều tra. Nếu quản lý tốt, đây là giải pháp cực kỳ tối ưu để điều tra. Điều hay nhất của giải pháp này, không phải việc nó sẽ giúp điều tra ra hung thủ, hoặc tiến trình vụ án, mà là ở chỗ, nếu giải pháp này được thực hiện, sẽ tự động giảm thiểu rất nhiều các vụ việc xảy ra trong tương lai. Bởi vì bất kỳ một kẻ nào, dù ngu dại tới đâu, cũng sẽ biết rằng, việc cố tình phạm tội trong khi mang mã số điện tử trên người chính là việc làm tự sát.
Ban đầu, việc sử dụng mã số điện tử cá nhân chỉ để phục vụ bảo đảm an ninh, ngăn ngừa và điều tra các vụ khủng bố. Nhưng khi xã hội đã quen với việc sử dụng mã số điện tử cá nhân, thì tiến tới tất cả người dân đều nên có mã số điện tử cá nhân và việc ngăn ngừa, điều tra thông qua mã số điện tử cá nhân sẽ mở rộng tới tất cả các loại tội phạm, chứ không chỉ trong chống khủng bố.
Đối với những người tỵ nạn, việc thuyêt phục họ tham gia chương trình mã số điện tử cũng không hề dễ dàng. Nhưng nếu trình bày mục đích, cách thức sử dụng mã số điện tử cá nhân, đồng thời đưa người tỵ nạn vào hai cơ quan độc lập nêu trên để giám sát, chắc chắn họ sẽ đồng ý giải pháp đột phá này.
Trên đây là giải pháp đột phá, dùng để bảo đảm an ninh cho người dân các quốc gia tiếp nhận người di cư. Nhưng vấn đề di dân toàn cầu là vấn đề phức tạp, cần phải được giải quyết tận gốc rễ, với cố gắng của tất cả các quốc gia, cộng đồng quốc tế. Giải quyết gốc rễ vấn đề di dân, cũng là giải quyết gốc rễ các vấn nạn: chiến tranh, độc tài, nghèo đói. Tình trạng di dân vẫn đang diễn ra chỉ chứng tỏ rằng, những cố gắng của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các vấn nạn gốc rễ chưa đạt hiệu quả, và dường như có vấn đề về lỗi hệ thống. Đó là sự khiếm khuyết của các thể chế dân chủ ở phần lớn các quốc gia, và thiếu những bước đi quan trọng trong vấn đề dân chủ hóa toàn cầu. Người dân được tự do, sung túc trên phạm vi toàn cầu chính là giải pháp duy nhất đúng cho vấn nạn di dân./.
Hà nội, ngày 07/10/2015
Nguyễn Vũ Bình
(Blog RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét