Thứ Năm, 1 tháng 10, 2015

Những dấu hiệu cần đặt câu hỏi ?

Gần đây có những nhà hoạt động dân chủ từ Việt Nam ra nước ngoài để nói chuyện với những nhà hoạt động dân chủ cho Việt Nam tại hải ngoại, hầu tìm ra một giải pháp khả thi để đưa đất nước chuyển đổi từ độc tài qua dân chủ. Dĩ nhiên đây là chuyện phải làm, phải phối hợp ở hai bên (trong nước – ngoài nước), ở tất cả mọi thành phần mà không kể quá khứ là gì, miễn sao có cùng một hướng đi là làm thế nào, làm sao để dân tộc chúng ta có thể trưởng thành hầu hòa nhập vào trào lưu dân chủ của thế giới.


Chuyện Tiến Sĩ Nguyễn Quang A được cho qua Mỹ và khi trở thì bị cơ quan an ninh sách nhiễu tại phi trường Nội Bài, và lực lượng công an hành hung những người đấu tranh tự do dân chủ đi đón Nguyễn Quang A làm cho những người trong nước và ngoài nước đặt nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.

Tại sao nhà cầm quyền VN cho những người bất đồng chính kiến với họ qua Mỹ rồi khi trở về thì lại sách nhiễu những người này? Phải chăng đang có sự tranh giành ảnh hưởng của hai phe nhóm để rồi những người như TS Nguyễn Quang A trở thành một trái banh vô tội vạ mà bên nào muốn đá thì đá?

Thực ra hai câu hỏi bên trên đặt ra cho vui chứ vấn đề quan trọng ở đây cần bàn thảo là khi nào dân chủ VN sẽ cất cánh và ai sẽ là người chủ động cho sự cất cánh này?

Khi nói đến dân chủ thì chúng ta cũng nên có một quan niệm mở rộng. Có nghĩa là ai cũng có thể tham gia tiến trình dân chủ hóa đất nước hiện nay và đãng cầm quyền hiện giờ cũng có quyền tham gia vào tiến trình này, dù rằng có một số người lý luận nếu đãng cầm quyền thực hiện dân chủ hóa thì tiến trình dân chủ này sẽ bị đãng cầm quyền chủ động.

Nếu đãng cầm quyền chủ động thì sao? Cái mục đích chính của chúng ta là gì? Phải chăng là một cơ chế dân chủ, pháp trị, bảo đảm sinh mạng của người dân và sinh mạng của đất nước trước sự đô hộ kiểu mới của Trung Quốc? Khi tất cả mọi thành phần đều có cùng chung một mục đích, một điểm đến thì chúng ta cũng nên chào đón tất cả mọi thành phần tham gia tiến trình dân chủ này. Và nếu đãng cầm quyền tại VN chủ động tiến trình này thì cũng là một điều tốt — bởi họ sẽ đẩy tiến trình dân chủ đến sớm hơn, không gây nhiều xáo trộn trong xã hội và sẽ tạo dựng sức mạnh của dân tộc sớm hơn.

Dĩ nhiên đãng cầm quyền là một trong nhiều tổ chức tại VN sẽ cùng nhau thực hiện tiến trình dân chủ này. Và nếu đãng cầm quyền không chịu nhìn ra được cơ hội cuối cùng (xin xem bài Hãy Bắt Lấy Cơ Hội Cuối Cùng) thì tiến trình dân chủ vẫn xảy ra do các thành phần khác trong xã hội tiến hành. Chúng ta (thành phần dân tộc) không thể nào chờ đợi đãng cầm quyền trong việc tiến hành dân chủ bởi trong 80 năm kể từ khi đãng CSVN ra đời, họ chưa bao giờ có ý định thực hiện dân chủ thực sự cho đất nước. Cho nên dù tiến trình dân chủ không có sự tham gia của đãng CSVN thì tiến trình đó sẽ chậm hơn, có thể đổ máu và mất thời gian dài để lấy lại sức mạnh dân tộc hầu chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh.

Sẽ có người cho rằng người viết bài này không hiểu rõ lịch sử là đãng CSVN sử dụng chiêu bài hoà hợp hoà giải, dân chủ giả hiệu để mục đích tiêu diệt các lực lượng khác chính kiến trong thời điểm chống Pháp cho đến cuộc nội chiến giữa hai miền Nam – Bắc (1954-1975) cho nên không thể nào tin đãng CSVN trong tiến trình dân chủ này.

Thực ra không thể nào đem quá khứ thực tế bên trên để rồi không làm gì nếu đãng CSVN chấp nhận bắt lấy cơ hội của lịch sử qua TPP để cải tổ cơ chế thành một cơ chế dân chủ, pháp trị. Nên nhớ rằng thời đại hôm nay khác thời điểm của 1930, 1945, 1954, 1975. Thời điểm hôm nay với kỷ nghệ thông tin mạng, trang mạng xã hội, bloggers tự do, tin tức được truyền tải trong vài giờ và cơ quan tuyên giáo của đãng cầm quyền, cơ quan báo chí tuyên truyền của đãng cầm quyền đã không còn là người duy nhất hướng dẫn thông tin; cho nên chúng ta nên chấp nhận thực tế là đãng CSVN có được cái quyền tham gia vào tiến trình dân chủ này và chúng ta nên đón nhận nó để cùng nhau đẩy tiến trình dân chủ này đi lẹ hơn, hiệu quả hơn.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta tin vào lời nói dân chủ của đãng cầm quyền. Chúng ta nhìn vào hành động để đánh giá lời nói của đãng cầm quyền. Lời nói của bất cứ ai, của bất cứ cá nhân nào, tổ chức nào dù hay cách mấy nhưng không thực hiện lời nói bằng hành động thì lời nói đó vô giá trị và chẳng một ai tin tưởng vào cá nhân đó, tổ chức đó, hay đảng phái đó.

Cũng theo những nhà dân chủ trong nước cho rằng những người trong đãng CSVN nhìn ra được vấn đề là bị Trung Quốc lấn áp và muốn tìm cách thoát ra. Nhưng thoát ra như thế nào lại là vấn đề những người đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cần phải xem xét để tìm cách ứng phó với tình thế thoát ra của đãng CSVN. Nếu thoát ra bằng cách đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc thì đây là giải pháp mà đãng đã sử dụng từ trước và kết quả chẳng thoát ra được một tí ti nào. Cho nên nếu đãng CSVN thực sự muốn thoát ra, thực sự muốn nắm lấy cơ hội cuối cùng đến với đãng thì cách duy nhất là phải thay đổi cơ chế độc đảng thành một cơ chế đa đảng, dân chủ, pháp trị để buộc tất cả những ai nắm giữ chức vụ trong bộ máy cầm quyền phải có trách nhiệm và bị đi tù nếu vi phạm pháp luật.

Đến giờ phút này chúng ta vẫn chưa thấy nhà cầm quyền VN hay đãng CSVN có những hành động để chứng minh với người dân, với những người đang chống lại chế độ độc tài đãng trị, chống lại cơ chế vô trách nhiệm của người cầm quyền — là họ thực sự muốn thay đổi để khi VN vào TPP và dựa vào đó đẩy mạnh sức mạnh của dân tộc và đất nước trong sản xuất về kỷ thuật, khoa học và trí tuệ. Nếu trí tuệ của người Việt không sử dụng đúng chỗ, nếu tất cả những con người yêu nước, yêu dân chủ đều bị đi tù thì cho dù VN có vào 10 TPP đi nữa thì đất nước ta vẫn là bãi rác cho công ty quốc tế tàn phá môi trường và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Với cơ chế hiện giờ, cho dù có vào 10 TPP thì VN vẫn là thị trường nhân công rẻ cho quốc tế, người dân vẫn sống lầm than và các quan lãnh đạo thì thay phiên nhau làm giàu từ đời này đến đời khác.

Nhiều người hy vọng vào đại hội đãng sắp đến trong năm 2016. Nhiều người trông mong vào Thủ Tướng Dũng để cải tổ cơ chế. Nhưng những tư liệu bên đại hội đãng đưa ra, những từ ngữ của 40 năm trước vẫn nhai đi, nhai lại — làm cho chúng ta đi đến nhận định là đại hội này cũng như những đại hội trước, mục đích để củng cố đãng, tranh giành quyền lực trong đãng và tiếp tục mị dân để cầm quyền. Còn ba Dũng tuy rằng có những câu nói rất là dân chủ nhưng hành động hoàn toàn đi ngược lại với lời nói. Những tù nhân lương tâm vẫn tiếp tục bị cầm tù dù thế giới lên tiếng kêu gọi thả ra. Những tù nhân lương tâm mà đãng và nhà cầm quyền VN có thể mặc cả được với Mỹ thì tống qua bên Mỹ như Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ để nhà cầm quyền này đỡ gánh nặng và đỡ nhức đầu với những cá nhân này. Nói chung cái hy vọng vào đại hội sắp đến, vào ba Dũng đang có dấu hiệu thất vọng khi mà hành động và lời nói của đãng vẫn không chứng minh được là đãng muốn thoát Trung.

Mà nếu đãng không chịu thay đổi, một sự thay đổi cần thiết để đưa đất nước vươn lên với quốc tế thì đại khối dân tộc phải thực hiện chuyển biến dân chủ này. Các tổ chức xã hội dân sự, các đảng phái đang hình thành hay sẽ hình thành tại VN (cho dù đãng CSVN cho phép hay không cho phép) sẽ phối hợp lại với nhau để tạo ra sức mạnh dân chủ, cùng toàn dân đứng lên giành lại quyền tự quyết cho chính mình và dân tộc mình. Đây là tiến trình dân chủ từ dưới đi lên và là tiến trình chậm nhưng sẽ thành công bởi đó là hướng tới của một dân tộc đã từng khát khao dân chủ, tự do từ hơn 4000 năm qua.

Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 9 năm 2015
Dallas, TX

(Ngàn Lau Blog)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét