Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

Ngô Thế Vinh - Đập thủy điện Don Sahong in đậm dấu tay Trung Quốc

Ngư dân đánh bắt cá gần đập Don Sahong. (Luke Hunt - VOA).
                               Ngư dân đánh bắt cá gần đập Don Sahong. (Luke Hunt - VOA).

“Sản xuất lúa gạo ĐBSCL bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong ngay trước khi đổ vào vùng Thác Khone, sẽ làm giảm [thay đổi] dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphadone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn". Gs Võ Tòng Xuân, 2013

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
NGÔ THẾ VINH

QUỐC HỘI LÀO BẬT ĐÈN XANH

Theo tạp chí The Diplomat  [Sep 04, 2015] Quốc Hội Lào đã chính thức thông qua Dự án Đập Don Sahong, một dự án từ bấy lâu gây rất nhiều tranh cãi. Dự trù ban đầu con đập được Công ty Xây dựng Mã Lai MegaFirst khởi công vào cuối năm nay 2015. Do tiềm năng thuỷ điện của con Sông Mẹ - Mea Nam Khong, là tên Lào Thái của con sông Mekong, nhà nước Lào bất chấp mọi chỉ trích và với lời kêu gọi của các quốc gia láng giềng Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, là ngưng dự án Don Sahong và Lào vẫn kiên quyết đi tới thực hiện cho bằng được kế hoạch phát triển thuỷ điện của mình.

NGUỒN THUỶ ĐIỆN SÔNG MEKONG

Với chiều dài hơn 4,800 km, Mekong là con sông lớn thứ ba Châu Á và là thứ 11 của thế giới. Sự phong phú của hệ sinh thái sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, Nam Mỹ.  Tiềm năng thuỷ điện của sông Mekong khoảng 60,000 MW:

-- Lưu Vực Trên 28,930 MW với nửa khúc sông nằm trong lãnh thổ Trung Quốc; và chuỗi 14 Con Đập Bậc Thềm / Mekong cacades Vân Nam.

-- Lưu Vực Dưới 30,000 MW là khúc sông Mekong hạ lưu chảy qua 5 quốc gia Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, với chuỗi 12 con đập dòng chính hạ lưu chủ yếu nằm trong hai nước Lào và Cam Bốt.

THẢM HOẠ VẪN TỪ PHƯƠNG BẮC

Về phía Trung Quốc, nơi thượng nguồn Sông Mekong Bắc Kinh đã hoàn tất hai con đập lớn nhất: con khủng long Nọa Trác Độ/ Nuozhadu 5,850 MW và con Đập Mẹ Tiểu Loan/ Xiaowan 4,200 MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thuỷ điện của họ trên sông Lan Thương / Lancang Jiang, tên TQ của con Sông Mekong và theo Fred Pearce, Đại học Yale thì con sông Mekong đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của TQ. [3]

Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sông Mekong Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam.”

Với sáu con đập lớn dòng chính đã hoàn tất trên trên khúc sông Mekong thượng nguồn, TQ đã đạt được công suất 15,150 MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thuỷ điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập dòng chính còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, TQ cũng sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu Thế kỷ 21.

LẠI CÓ DẤU TAY CỦA TRUNG QUỐC 

Trong một bức thư ngày 2 tháng 2, 2015 của International Rivers Network / IRN Mạng Lưới Sông Quốc Tế gửi tới Sinohydro International Corporation bày tỏ quan điểm của tổ chức IRN chống lại Dự án Đập Thuỷ điện Don Sahong do những ảnh hưởng tác hại môi trường và xã hội trên dòng chính Sông Mekong.    

Đoạn thư viết tiếp: "Chúng tôi được biết Sinohydro International được đấu thầu phần EPC/ Engineering Procurement Construction / thiết kế, quản lý và xây dựng cho Dự án Don Sahong, sự kiện ấy khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm về mối liên hệ của Trung Quốc tới Dự án này. Chúng tôi nhận định rằng Sinohydro, một tổ hợp của Nhà nước Trung Quốc khi ký một hợp đồng liên quan tới triển khai dự án, điều ấy sẽ can thiệp vào tiến trình thương thảo. Đây chính là thời điểm vô cùng nhậy cảm cho toàn vùng đối với cái giá phải trả cho việc phát triển thuỷ điện trên Sông Mekong. Chúng tôi hy vọng Sinohydro sẽ hỗ trợ cho những cuộc thảo luận về sự cần thiết có thêm những cuộc nghiên cứu khoa học, và trên hết là sự tôn trọng những quyết định và các yêu cầu chính thức từ các chính phủ Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam". Hết trích dẫn.

Như vậy bức màn của sự thật đã được vén lên: MegaFirst của Mã Lai chỉ là nhóm chủ thầu đầu tư/ Investor vào Don Sahong, một công ty không có kinh nghiệm xây dựng hay điều hành nào về thuỷ điện nên rõ ràng họ làm một bình phong / một lá chắn cho Sinohydro đứng phía sau, thực hiện phần kỹ thuật xây đập bất chấp tác hại ra sao đối với dân cư trong lưu vực.

Ai cũng biết Sinohydro International là một công ty quốc doanh khổng lồ xây đập trên toàn cầu của Trung Quốc, được xem là lớn nhất thế giới nhưng cũng đã từng mang rất nhiều tai tiếng về những con đập gây ra những tác hại môi sinh. Và có thể nói mà không sợ sai lầm Don Sahong sẽ là một con đập Made in China. [1] Sau Don Sahong, Sinohydro còn trực tiếp nhận thầu hai dự án dòng chính khác là Pak Lay của Lào và Sambor của Cam Bốt.

Tệ hại hơn nữa là hai công ty Việt Nam cũng đồng loã trực tiếp nhận thầu xây 2 con đập dòng chính Luang Prabang của Lào và Stung Treng của Cam Bốt; có thể ví như hành động cầm súng tự bắn vào chân mình.

Điều đó giải thích được tại sao một nước Lào nhỏ bé nhất nhưng lại có thể hành động ngang ngược như vậy bất chấp mọi mối quan tâm của các quốc gia láng giềng [vốn thiếu nhất quán và chia rẽ] và cả đối với những khuyến cáo của các tổ chức hoạt động môi sinh. Lào đã có được sự hậu thuẫn vô điều kiện của Bắc Kinh.

TỪ XAYABURI TỚI DON SAHONG 

Cho dù có khuyến cáo 2011 của Ủy Hội Sông Mekong / MRC là nên hoãn triển khai tất cả các dự án đập thuỷ điện dòng chính hạ lưu ít nhất một thập niên tới năm 2020 để có thêm thời gian nghiên cứu, nhưng khuyến cáo ấy đã không được nhà nước Lào lắng nghe. Lào vẫn khởi công xây con đập dòng chính Xayaburi 1,285 MW là con đập đầu tiên nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Xayaburi đã được ví như quân cờ Domino đầu tiên đổ xuống, có hiệu ứng kéo theo những bước khai triển ồ ạt của những con đập hạ lưu khác.

Sau Xayaburi, Don Sahong là quân cờ Domino thứ hai đổ xuống. Cách đây gần hai năm, ngày 3 tháng 10, 2013, Lào thông báo cho MRC về quyết định xây con đập dòng chính thứ hai: Don Sahong, là một con đập-dòng-chảy / run-of-river dam trụ trên suốt chiều dài 5 km của hẻm nước /water channel Hou Sahong nằm trên vùng Thác Khone, chỉ cách biên giới Cam Bốt 2 km. Don Sahong có công xuất 260 MW, nhỏ hơn rất nhiều so với cả những con đập phụ lưu của Lào.

Thác Khone vốn là một cảnh trí hùng vĩ của sông Mekong bao gồm nhiều ghềnh thác và hàng ngàn đảo nối tiếp nhau. Theo Ks Phạm Phan Long / Viet Ecology Foundation thì "nếu lưu lượng trung bình/ năm thác Niagara là 2400 m3/s, Victoria 1088 m3/s so với 10156 m3/s ở Pakse trạm quan trắc sát nhất thác Khone, như thế lưu lượng trung bình/ năm vùng thác Khone gần gấp 3 lần tổng số lưu lượng của con hai thác kia".

Năm 1886, Đoàn thám hiểm Pháp Doudart de Lagrée / Francis Garnier đã khởi hành từ Sài Gòn ngược dòng sông Mekong đi tìm một thuỷ lộ giao thương với Trung Hoa qua ngả Vân Nam; sau khi ghé Angkor đi tiếp tới Thác Khone thuộc địa phận Nam Lào, họ đã phải kinh ngạc trước một cảnh tượng vô cùng hùng vĩ và ngoạn mục với vang ầm tiếng nước đổ từ các ghềnh đá sủi bọt tung tóe. Đến đây thì họ nhận ra rằng không thể nào có thể dùng tàu thương mại từ Sài Gòn lên đến Lào, rồi tới Vân Nam Trung Quốc qua đường sông Mekong.

Thác Khone là phần hết sức kỳ lạ của con sông Mekong về phương diện đa dạng sinh học. Ngay dưới chân thác là một quần thể phong phú nhất về cá, với những loài cá nước ngọt không chỉ của Đông Nam Á mà là của cả thế giới: với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 2/3 thuộc loại di ngư / migratory fish, lội ngược dòng Mekong theo mùa và lên cả các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt là nguồn lương thực và trao đổi thương mại với sản lượng lên tới 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK, chưa kể tới những loại thuỷ sản khác như tôm cua rùa ốc và cả rong tảo.

Sông Mekong bấy lâu đã như "mạch sống" của ngót 70 triệu dân sống trong lưu vực; không phải chỉ có nguồn nước, nguồn phù sa, mà phải kể tới nguồn cá chiếm tới 80% lượng protein trong mỗi bữa ăn của cư dân Lào và Cam Bốt. Theo các chuyên gia môi sinh thì khúc sông Mekong nơi thác Khone thể coi là “ tử huyệt” của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.

DON SAHONG TÁC HẠI VÔ LƯỜNG

Thác Khone từng được ví như một một thế giới vi mô – microcosm của toàn hệ sinh thái sông Mekong, nơi để cho các nhà sinh học và ngư học nghiên cứu. Do tầm quan trọng độc nhất vô nhị ấy, TS Mark Hill đã kêu gọi bằng mọi giá phải bảo vệ sự toàn vẹn của vùng thác Khone trong những kế hoạch phát triển và xây các đập thủy điện trên sông Mekong.

Đã có rất nhiều chứng cớ là con đập Don Sahong, tuy chỉ cao khoảng 30m với công suất 260 MW [nhỏ nhất so với 11 dự án dòng chính hạ lưu] nhưng lại có tác hại vô lường trên toàn hệ thủy sinh thái sông Mekong, vì đây là điểm quy tụ tối đa của các đoàn di ngư. Phần lớn lượng cá mà ngư dân Lào và Thái lưới bắt được trên thượng nguồn là từ các đoàn di ngư lội ngược dòng từ thác Khone. Kể cả nguồn cá từ các phụ lưu sông Mekong cũng phụ thuộc vào các đoàn di ngư từ vùng thác Khone này.

Những quốc gia tài trợ cho Lưu vực Sông Mekong cũng như các nhà hoạt động môi sinh, trong đó có Hội Sinh Thái Việt / Viet Ecology Foundation đã gửi thư đề nghị chính phủ Lào ngưng xây đập Don Sahong nhưng Lào hầu như bất chấp.

Thấy được mối hiểm nguy của con đập Don Sahong trực tiếp đối với vựa cá của Cam Bốt nên cuối năm 2007, Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt cũng đã gửi thư phản đối tới chánh phủ Lào, nhưng “không được hồi âm”. Tháng 11, cũng năm 2007 tại Hội nghị Siem Reap, phái đoàn Cam Bốt và các tổ chức NGO một lần nữa lên tiếng phản đối dự án Don Sahong, và sau đó thì MRC cũng gửi bản lượng giá với “những nhận định chỉ trích” về con đập Don Sahong tới chánh phủ Lào, và một lần nữa bị chánh phủ Lào “coi như không có” và vẫn cứ tiến hành ký kết bản Hợp đồng Dự án Phát triển với công ty Mã Lai MegaFirst.

Thủ tướng Hun Sen cũng đã tới Lào [03/2008] thảo luận về dự án đập Don Sahong do ảnh hưởng di hại trực tiếp tới Cam Bốt. Nhưng sau đó, theo Milton Osborne với lý do thật khó hiểu là Ủy ban Quốc gia Mekong Cam Bốt nhận được chỉ thị là phải ngưng chỉ trích công khai dự án đập Don Sahong. [Tưởng cũng nên ghi lại ở đây là Cam Bốt cũng có dự án đập thủy điện Sambor, cùng với Don Sahong, được coi như một “tử huyệt” thứ hai đối với các loài cá sông Mekong]

Và rõ ràng, như một mẫu ứng xử/ pattern nhất quán và liên tục của nhà nước Lào: không nghe, không hồi đáp, vẫn tiến hành: đó không thể gọi là cách hành xử văn minh trong bang giao quốc tế ở thế kỷ 21. Chánh phủ Lào chứng tỏ là đã không tôn trọng tinh thần của Điều 7 trong Hiệp Ước Hợp Tác Phát Triển Bền Vững Lưu Vực Sông Mekong 1995: "Các quốc gia thành viên ký kết cùng đồng ý là bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường do phát triển và xử dụng Lưu vực Sông Mekong.”

Lào đã và đang đơn phương chọn quyền lợi riêng tư ngắn hạn nhưng với cái giá rất đắt phải trả của chính đất nước Lào và cả các quốc gia lân bang. Cho đến nay những khuyến cáo và khả năng điều hợp của Uỷ Hội Sông Mekong MRC đã hơn một lần tỏ ra là vô hiệu.

Từ con thuyền trên khúc Sông Mekong Nam Vang, người dân Cam Bốt giương biểu ngữ phản đối Đập Don Sahong [photo by Heng Chivoan] Đến bao giờ thì mới có được tiếng nói cư dân nơi ĐBSCL?
Từ con thuyền trên khúc Sông Mekong Nam Vang, người dân Cam Bốt giương biểu ngữ phản đối Đập Don Sahong [photo by Heng Chivoan] Đến bao giờ thì mới có được tiếng nói cư dân nơi ĐBSCL?

LÀO XỨ KUWAIT THUỶ ĐIỆN ĐÔNG NAM Á

Với những người Lào có học hiểu biết, họ thấy được tiềm năng thiên nhiên phong phú của đất nước Lào, giới lãnh đạo thế hệ mới ở Lào nuôi tham vọng khai thác tiềm năng thuỷ điện con sông Mekong để mong sao biến xứ Lào thành "Bình Điện Đông Nam Á/ the battery of Southeast Asia".

Những ai có theo dõi các bước khai thác thủy điện của Lào sẽ nhận ra ngay rằng không phải Tổng thống, Thủ tướng hay Ngoại trưởng Lào, nhưng là một tên tuổi khác, Viraphonh Viravong, nổi bật là trí tuệ của đất nước Lào. Viraphonh Viravong trong suốt hơn ba thập niên qua đã có những nỗ lực bền bỉ và kiên định với giấc mơ canh tân, biến đất nước Lào trở thành một xứ “Kuwait về thủy điện của Đông Nam Á".

Viraphonh Viravong thường xuyên thăm viếng suốt dọc con sông Mea Nam Khong tìm tới những nơi có thể xây thêm đập thủy điện, với thuyết phục người dân Lào nơi các khu xây đập về những lợi lộc do các con đập đem lại: họ sẽ có điện quanh năm, có thêm đường xá, nhà thương, trường học do lợi tức từ nguồn điện đem về. Viraphonh Viravong đã có kinh nghiệm về các con đập phụ lưu lớn của Lào và nay với con đập dòng chính đầu tiên Xayaburi, cho dù gặp sự chống đối mạnh mẽ từ mọi phía nhưng Viraphonh Viravong lần lượt hóa giải những mũi dùi chống đối và không ngừng tiến hành triển khai con đập Don Sahong.

Ngày 15-10-2012 Viraphonh Viravong tới Viện Kỹ thuật Á châu, Bangkok, để duyệt xét mô hình đập Xayaburi, tại đây, ông khẳng định: “Phát triển tiềm năng thủy điện của Lào là chuyện đương nhiên. Chỉ có vấn đề làm sao để thực hiện bền vững.”

NHỮNG TIẾNG KÊU TRONG SA MẠC

Nhà nông học Võ Tòng Xuân, là một trong số người tiên phong đưa giống Lúa Thần Nông vào ĐBSCL, đã phát biểu về tác hại của con đập Don Sahong: “Sản xuất lúa gạo ĐBSCL bị đe dọa hơn nữa do xây con đập thứ hai Don Sahong ở Nam Lào. Con đập chắn ngang dòng chính Mekong ngay trước khi đổ vào vùng Thác Khone, sẽ làm giảm [thay đổi] dòng chảy, gây nguy hại cho khu bảo tồn Ramsar Siphandone, cho mùa màng và ngư nghiệp dưới nguồn. Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Lào và các nhà đầu tư Mã Lai hãy tự tiết chế không gây tác hại thêm cho dòng chính Sông Mekong nhằm bảo vệ môi sinh và cư dân nơi hạ nguồn.” (26-10-2013)

Cũng để thấy rằng, thay vì kêu gọi các nhà đầu tư Mã Lai tự tiết chế nhưng nếu biết MegaFirst chỉ là đồng loã đứng tên và thủ phạm đích thực đứng phía sau dự án Don Sahong chính là tập đoàn Sinohydro của nhà nước Trung Quốc.  

SẼ ĐI VỀ ĐÂU

Sông Mekong lẽ ra là sợi dây nối kết các quốc gia trong lưu vực chứ không phải là nguyên nhân gây chia rẽ; nhưng từ thập niên đầu của thế kỷ 21, ước vọng ấy đang bị đổ vỡ, do khủng khoảng niềm tin, khiến triển vọng hợp tác trong “Tinh Thần Sông Mekong” như một mẫu số chung để cùng nhau phát triển, cùng nhau hướng tới một tương lai thịnh vượng cho toàn vùng đã trở thành ngày một xa vời.

Chỉ mới đây thôi, vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, ông Đinh Hưng từ ĐBSCL đã gửi đến BBC một lời báo động mà nhà báo Tưởng Năng Tiến khi đang lênh đênh trên Biển Hồ đã cho là "muộn màng":

“Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km, và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số địa phương trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng. Những tháng gần đây tại ĐBSCL, việc nước mặn tấn công ‘chưa từng thấy’ làm ‘đảo lộn cuộc sống’, không phải là bất ngờ mà là tất yếu theo dự đoán. Người dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải ‘chạy mặn’ từng ngày. Các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa cả trăm ngàn hecta đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái nằm trên nguy cơ xóa sổ, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Tất cả nguy hại đang đổ trên đầu người dân nơi đây.”

Chỉ riêng với ĐBSCL, bấy lâu với nguồn nước ngọt và trữ lượng phù sa phong phú từ con sông Mekong đã khiến Việt Nam là cái nôi sản xuất lúa gạo lớn thứ hai thế giới chỉ đứng sau Thái Lan; nhưng nay thì ngót 20 triệu cư dân ĐBSCL đang trước nguy cơ: mất nguồn nước ngọt, mất nguồn phù sa, và cả vùng châu thổ phì nhiêu đang chìm dần trong biển mặn. Hậu duệ của những thế hệ dũng mãnh tiên phong khai phá trong cuộc Nam Tiến cách đây mới ba trăm năm, thì nay đang bị một chế độ toàn trị ức chế đến bất động, không được quyền cất lên tiếng nói ngay trên đất nước mình và đang cúi đầu chấp nhận lùi bước trước thảm hoạ bị xoá đi cả một nền Văn Minh Miệt Vườn và trong một tương lai không xa, rồi ra trên tầm vóc quốc gia, sẽ có những đợt tỵ nạn môi sinh/ ecological refugees vào giữa thế kỷ 21 nhưng họ sẽ đi về đâu?  

NGÔ THẾ VINH

California Sep 28, 2015

(Blog VOA)

Tham Khảo:

1) Is the world's biggest dam builder willing to change?

Peter Bosshard, ChinaDialogue, 16.12.2014

https://www.chinadialogue.net/blog/7605-Is-the-world-s-biggest-dam-builder-willing-to-change-/en

2) Dam promises are ‘a facade’, Daniel Pye and Laignee Barron, Phnom Penh Post Fri, 3 October 2014,

http://www.phnompenhpost.com/national/dam-promises-are-%E2%80%98-facade%E2%80%99

3) The Two Poles of Destruction from Nuozhadu to Don Sahong The Mekong in the Claw of Death. Ngô Thế Vinh, Ecology Foundation, Oct 25, 2014, http://vietecology.org/Article.aspx/Article/112

4) Global Ecology and the "Made in China's Dams. Ngô Thế Vinh. Viet Ecology Foundation, July 2010. http://vietecology.org/Article.aspx/Article/62

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguyễn Cao Quyền - Vấn đề nhân quyền và phát triển chính trị

Tư khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, vấn đề “nhân quyền” đã trở thành đề tài tranh cãi thừng xuyên trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa các nước dân chủ phát triển Tây Phương và các nước xã hội chủ nghĩa đang phát triển Đông Phương.

Qua thời gian, tình trạng căng thẳng đó chưa giảm bớt. Tuy nhiên vì Trung Quốc là một thị trường khổng lồ đang phát triển nên một số quốc gia tư bản giữ thái độ hòa hoãn để duy trì quan hệ mậu dịch tốt với Bắc Kinh.

Như vậy có thể nói là thái độ của Tây Phương đối với vấn đề nhân quyền tại Trung Quốc và một số nước cộng sản còn sót lại chưa hoàn toàn rứt khoát và vẫn thiếu minh bạch. Lý do “lợi ích thực tế” (practical interest) đưa ra không thể coi là câu trả lời khả dĩ giúp thỏa mãn mọi người.

Những đoạn viết tiếp theo sẽ đóng góp thêm một số ý kiến với hy vọng có thể nới rộng nội dung để nâng cao nhận định về vấn đề khó khăn và phức tạp này.


Một định nghĩa rộng rãi về nhân quyền

Nhân quyền không chỉ là sách lược mà còn là đỉnh đến của tiến trình phát triển chính trị một quốc gia. Trong tiến trình phát triển đó, bất cứ một định chế nào mang tính chính trị kinh tế hoặc văn hóa được tạo ra, sẽ bị coi như “phản dân chủ” nếu vi phạm nhân quyền. Nhân quyền cần thiết để điều hòa quan hệ giữa nhà nước và xã hội, giữa nhà nước và cá nhân và giữa cá nhân với nhau.

Nhân quyền là căn bản để tạo sự ổn định, tình trạng phát triển khả trì và sự gia tăng phúc lợi toàn dân. Kinh nghiệm của quốc gia phát triển cho thấy họ đả cố gắng tôn trọng nhân quyền như một yếu tố không thể thiếu của tiến trình phát triển. Kinh nghiệm này phải được coi như kim chỉ nam cho những nước đang phát triển noi theo.

Bước đầu tiên là phải công nhận (recognition) nhân quyền. Công nhận nhân quyền là phải tách rời chính trị, kinh tế và nhà nước ra khi xã hội dân sự, tách rời vấn đề công ra khỏi vấn đề và tư. Lý do của sự tách rời này gỗm hai luận thuyết.

Thứ nhất, tách nhà nước khỏi xã hội dân sự để thẩm quyền nhà nước không bao trùm và bóp nghẹt toàn bộ đời sống xã hội. Nhà nước tuyệt đối phải trở về với không gian chính trị và các lãnh vực công.

Thứ hai, sau khi có sự tách rời này, người dân và xã hội dân sự phải được tự do phát triển theo lợi ích của từng cá nhân và đoàn thể ngoài sự can thiệp của chính quyền. Sau Thế Chiến II, sự cản trở lớn nhất cho quá trình tiến đến dân chủ của các nước đang phát triển là sư ̣ thiếu độc lập và hữu hiệu của xã hội dân sự.

Nhà nước phải công khai nhìn nhận nhân quyền để bảo vệ sự độc lập của xã hội dân sự và tự do của cá nhân, và coi đó là bước đi căn bản để cho các chế độ độc tài giải quyết những vấn đề kém phát triển và thiếu dân chù.

Ý niệm tái lập xã hội dân sự là một sự phân lập theo chiểu dọc khác với nguyên tắc của Montesquieu, là một sự phân lập theo chiều ngang (tam quyền phân lập).

Sự phân lập theo chiều dọc

Sự phân lập theo chiều dọc sẽ cất bỏ quyền hạn của nhà nước khỏi các không gian riêng tư và tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự thăng tiến dân chủ từ cơ sở hạ tầng. Cỏ thể diễn tả sự thuận kợi đó dưới ba khía cạnh.

Thứ nhất, nhìn dưới khía cạnh dân chủ hóa, hiện tượng tập trung dân chủ cần phải được loại bỏ trong nhiều lãnh vực. Thực tế chính trị sẽ cho biết những lãnh vực nào cần đến việc loại bỏ này. Sự loại bỏ sẽ làm cho nhu cầu tranh luận về dân chủ lan rộng nhanh hơn, sẽ thúc đẫy và hỗ trợ mạnh hơn sư thiết lập dân chủ trên toàn lãnh thổ.

Thứ hai, sự phân lập quyền hành giữa nhà nước và xã hội dân sự sẽ củng cố chế độ pháp trị. Luật pháp sẽ được áp dụng nhiều hơn và trở nên phong phú hơn. Những tệ trạng xã hội như tham nhũng sẽ giảm thiểu. Sinh hoạt chính quyền sẽ trở nên lành mạnh.

Thứ ba, xã hội dân sự sẽ tiến dần đế việc công nhận và thiết lập định chế “kiểm soát và cân bằng (checks and balances) để tự giúp thêm sức mạnh và tự biến thành những cơ chế bổ túc hữu hiệu cho chính quyền. Trong chế độ dân chủ các định chế này từ lâu đã trở thành truyền thống.

Các yếu tố cấu thành một xã hội dân chủ ngày nay gồm: một chính quyền đại nghị, một nền kinh tế hỗn hợp sở hữu công cộng-tư nhân, và một định chế quốc gia phúc lợi. Đó là những tiêu chuẩn dân chủ căn bản cần đạt được..

Nhân định sự khác biệt giữa nhân quyền, tự do và dân chủ

Điều quan trọng cân nhận định là nhân quyền đi đôi với tự do nhưng không đi đôi với dân chủ.

Tự do theo nghĩa truyền thống là những quyền tự nhiên bất khả chuyển nhượng . Những quyền này bảo vệ tính độc lập, tự chủ và nhân phẩm của con người trước những chèn ép chính trị, xã hội, tôn giáo và những thứ khác.

Chính vì trách nhiệm bảo vệ quan trọng đó mà các quyền này được khuyến khích đưa vào hiến pháp nên gọi lả Tự Do Hiến Định. Còn nếu coi dân chủ cũng là tự do thì đó là tự do chính trị. Tự do hiến định mới chính là tự do dân sự Một đằng tạo ra chính quyền, một đằng hạn chế và kiểm soát chính quyền.

Tự do hiến định dẫn đến dân chủ nhưng dân chủ thì không mang lại tự do hiến định. Cái làm thành nét đặc trưng và tạo ra sự khác biệt gữa các chính quyền Âu Châu Bắc Mỹ và các chính quyền khác trên toàn thế giới không phải là dân chủ mà chính là Tự Do Hiến Định.

Trong công cuộc đấu tranh dân chủ, khi giới cầm quyền cần phải nhượng bộ thì họ sẽ nhượng bộ dân chủ vì đó là món hàng rẻ hơn vả ít nguy hiễm hơn so với tự do. Điều này nhiều nhà độc tài trên thế giới đã từng làm, cho nên nhất thiết phải đòi hỏi cho bằng được tự do hiến định, tức tự do dân sự như dân tộc của các nước văn minh đang dược hướng.

Vào thời điểm năm 1997, một nửa các quốc gia đang dân chủ hóa là các chế độ “dân chủ phi tự do” (illiberal democracies). Chính quyền của các nước như Peru, Palestine, Sierra Leone, Slovakia, Kazakstan, Kyrgystan, Belarus, Pakistan…là những thí dụ điền hình. Cho nên vấn đề quan trọng nhất hiện nay mà thế giới cần phải quan tâm là sự phát triển của chủ nghĩa Tự Do Hiến Định.

Sự lạm dụng ý nghĩa của nguyên tắc dân chủ

Nguyên tắc dân chủ bị Trung Quốc, Việt Nam và các nước độc tài Đông Nam Á lạm dụng nhiều nhất là nguyên tắc “chủ quyền quốc gia”. Trong Bản Tuyên Ngôn Bang-Kok năm 1993, một số nước Á Châu đã căn cứ vào ý niệm “chủ quyền quốc gia” để đòi hỏi phía Tây Phương phải tôn trọng lãnh thổ, không được can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác và không được sử dụng nhân quyền để tạo áp lực chính trị.

Hiển nhiên là tất cả những nguyên tắc dân chủ và tự do nói trên đều là sản phẩm của văn hóa Tây Phương nhưng đã được những người bênh vực các Giá Thị Á Châu đem ra sử dụng một cách lạ kỳ Lạ kỳ ở chỗ trong khi họ đả kích các ý niệm về nhân quyền thì họ lại trân quý một cách quá đáng ý niệm chủ quyền quốc gia .

Họ không hiểu rằng sự phát triển của ý niệm chủ quyền quốc gia và ý niệm nhân quyền là một sự phát triển song hành. Không những thế giữa hai ý niệm đó còn có ba mối liên hệ mật thiết.

Thứ nhất, quy chế bình đẳng và độc lập của chủ quyền quốc gia trong sinh hoạt quốc tế, chỉ là sự quảng diễn của cùng một loại quy chế ban cho nhân quyền trong sinh hoạt giữa con người và con người.

Nếu chủ quyền quốc gia được đặt ra để bênh vực những quốc gia nhỏ yếu chống lại sự đàn áp và hà hiếp của các quốc gia mạnh lớn hơn thì cũng chẳng khác gì nguyên tắc nhân quyền được đặt ra đê bênh vực những cá nhân hay tập thể nhỏ bé chống lại sự lạm dụng của các lực lượng xã hội lớn mạnh hơn. Cả hai ý niệm đó, đều nhằm tái phân phối sự bất bình đẳng về quyền lực.

Lạ kỳ hơn nữa là khi sử dụng ý niệm chủ quyền quốc gia để lưu ý ác cường quốc Tây Phương không được hà hiếp các tiểu quốc đang phát triển, thì chính các tiểu quốc này lại dùng ý niệm đó như một chiếc lá chắn để tự do vi phạm nhân quyền của con dân trong nước họ. Làm như vậy là hạ thấp tư cách và trình độ văn minh của giai cấp lãnh đạo quốc gia họ trước mắt cộng đồng thế giới.

Thứ hai, nếu xét về phương diện chức năng thì nhân quyền còn bổ túc cho chủ quyền. Ngày nay, những cấu trúc xã hội nhỏ bé như bộ lạc, xóm làng của thời cổ xưa đã phải nhường chỗ cho nhà nước. Chính vì có sự thay đổi này mà nhà nước nắm trong tay một quyền lực quá lớn đã đe dọa nhân quyền. Trái lại, cá nhân chỉ có tay không nên khó thể bảo vệ những quyền tự do bẩm sinh của chính mình.

Vì thế người ta nghĩ ra ý niệm nhân quyền để trang bị cho cá nhân phương tiện tự bảo vệ chống lai sự bạo ngược của nhà nước. Đó là một bài học về liên hệ chức năng giữa hai ý niệm chủ quyền và nhân quyền, không thể nào không biết tới.

Thứ ba, nếu đứng về phương diện luân lý mà nói thì nhà nước không được phép ỷ vào quyền lực của mình để vi phạm nhân quyền.Cho nên chủ quyền phải được nhân quyền bổ túc để có chính danh tồn tại. Chủ quyền có thể mang tính tuyệt đối trong sinh hoạt quốc tế giữa các quốc gia với nhau để thực hiện bình đẳng, nhưng không thể được coi như vô giới hạn trong sinh hoạt quốc nội.
Từ thức tế này có thể khẳng định rằng : không có chủ quyền nếu không có nhân quyền và can thiệp vào sự đàn áp nhân quyền của một quốc gia không phải là sự can thiệp vào công viộc nội bộ của xứ này.

                                                                                  ***

Cho đến nay, đối với phần lớn các dân tộc trên thế giới thì nền “dân chủ phóng khoáng” vẫn được coi như hình thức dân chủ tối hậu. Từ ngày Liên Sô sụp đổ chưa thấy xuất hiện một hình thức chính quyền nào tốt hơn.

Sự khác biệt về văn hóa không ngăn cản sự xích lại gần nhau trong việc công nhận những gíá trị phổ quát liên quan đến dân chủ. Những nước có văn hóa hoàn toàn khác nhau đã chấp nhận nhận những giá trị đó vỉ những hiệu quả tốt chúng mang lại.

NGUYỄN CAO QUYỀN
Tháng 10 năm 2015

(Việt Thức)

Ls Ngô Ngọc Trai - Tòa án Việt Nam yếu vì bị chia quyền?


Hồi trong năm, Thông tấn xã Việt Nam đăng bài ‘Tòa án Hàn Quốc bác đề nghị ra lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch POSCO’, nội dung nói về lãnh đạo tập đoàn sản xuất thép bị cáo buộc tham nhũng và lập quỹ đen.

Ngoài việc đưa tin có tính thời sự, bài báo cung cấp một thông tin pháp lý đáng chú ý, đó là ở Hàn Quốc tòa án có quyền bác đề nghị bắt giữ của cơ quan công tố.

Theo bài báo thì tòa án bác bỏ việc bắt là Tòa án quận trung tâm Seoul, quyết định được đưa ra với lý do việc bắt giữ để phục vụ điều tra là không cần thiết.

Một tin khác cũng từ Hàn Quốc liên quan đến việc bắt giữ cựu Phó Chủ tịch hãng hàng không Korean Air, con gái của ông chủ tập đoàn hàng không Korean, bị cáo buộc vi phạm an toàn hàng không khi cô này mắng nhiếc một nữ tiếp viên trên máy bay.

Theo bài ‘Hàn Quốc phát lệnh bắt giữ cựu Phó Chủ tịch Korean Air’ trên báo điện tử Hà Nội mới thì lệnh bắt giữ cũng do tòa án ban hành.

Đây là những sự kiện diễn ra trong đời sống thực, cho thấy tòa án Hàn Quốc nắm giữ đầy đủ thẩm quyền định đoạt việc bắt hay không bắt. Tìm hiểu thêm thì thấy đây là kết quả thực thi quy định từ Hiến pháp nước này.

Liên quan đến việc bắt giữ Hiến pháp Hàn Quốc quy định: Trong trường hợp bắt, giam giữ, tịch thu tài sản hoặc khám xét thì cần phải có lệnh của thẩm phán thông qua các thủ tục luật định và trên cơ sở phải có yêu cầu của một công tố viên, trừ trường hợp một nghi phạm hình sự bị bắt quả tang.

Theo quy định này thì không chỉ việc bắt mà cả việc khám xét hay tịch thu tài sản đều phải có quyết định của tòa án, ngoài ra không cơ quan nào khác có quyền.

Con gái của Chủ tịch tập đoàn hàng không Korean Air, bà Heather Cho, đã bị tòa án Hàn Quốc ra lệnh bắt sau vụ mắng tiếp viên

Nhật Bản thì sao?

Tương tự như Hàn Quốc, chỉ khác nhau về cách hành văn, Hiến pháp nước Nhật quy định: ‘Không ai bị bắt bớ mà không có sự cho phép của tòa án trong đó chỉ rõ hành vi phạm tội trừ trường hợp đương sự bị bắt quả tang’.

Và ‘Nếu không có sự cho phép của toà án trình bày lí do, thông báo về chỗ khám xét, đồ vật bị tịch thu thì mọi thư từ, đồ vật, nhà ở đều được pháp luật bảo vệ. Mọi lệnh khám xét, tịch thu đều phải có sự cho phép của Thẩm phán’.

Hiến pháp Nhật Bản giống với Hàn Quốc đều quy định tập trung trong tay tòa án thẩm quyền quyết định các việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật. Cần lưu ý, đây đều là những hoạt động điều tra quan trọng có nguy cơ xâm hại tới quyền công dân.

Trong khi đó ở Việt Nam lại quy định khác.

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Quy định như vậy cho phép ngoài tòa án thì cơ quan điều tra hay viện kiểm sát đều có quyền bắt giữ (trường hợp cơ quan điều tra bắt sau đó phải có phê chuẩn của viện kiểm sát).

Cũng theo quy định này tòa án không có quyền can thiệp hay ngăn cản quyết định của hai cơ quan kia.

Về việc khám xét hay thu giữ đồ vật, Bộ luật tố tụng hình sự quy định cả ba cơ quan đều có quyền quyết định và tòa án cũng không có quyền can thiệp hay bác bỏ.
Như thế có thể thấy tòa án ở Việt Nam hoàn toàn kém quyền so với tòa án Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Ở hai nước kia thiết chế tòa án nắm thẩm quyền lớn chi phối và trở thành trung tâm của các hoạt động tư pháp.

"Tòa án [Việt Nam] không có quyền can thiệp hay ngăn cản quyết định của cơ quan điều tra hay viện kiểm sát"

Bảo vệ quyền con người

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc tòa án được tập trung nhiều quyền, còn ở Việt Nam tòa án lại bị chia quyền với cơ quan khác, vậy cách quy định nào hợp lý và bảo vệ quyền con người tốt hơn?

Chúng ra hiểu rằng việc bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật đều là những hoạt động xâm hại tới quyền con người, trong khi quyền con người lại chính là mục đích quan trọng được bảo vệ bởi các định chế tư pháp.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định: Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư và bí mật cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở.

Quy định là vậy nhưng trong quá trình điều tra xử lý tội phạm lại phát sinh nhu cầu đòi hỏi buộc phải hạn chế một số quyền công dân của một đối tượng nhất định nhằm đảm bảo ngăn ngừa nguy hại.

Ở các nước với tinh thần đề cao quyền con người, họ đòi hỏi việc hạn chế quyền công dân phải thật sự vì những lý do xác đáng. Họ nhận định rằng chỉ có tòa án được thiết lập và định nghĩa gắn liền với thuộc tính vô tư khách quan mới đủ tư cách để phán xét điều gì là xác đáng hay cần thiết.

Các cơ quan khác như điều tra hay công tố thì chức năng, trách nhiệm của họ là phát hiện xử lý tội phạm nên những yếu tố vô tư công tâm không đủ đầy như tòa án.

Từ nhận thức như vậy cho nên người ta mới dành cho tòa án quyền quyết định những việc như bắt giữ, khám xét hay thu giữ đồ vật, bằng cách đó nhằm đảm bảo môi trường pháp lý an toàn nhất cho các quyền con người.

Trong tố tụng hình sự, bị can e ngại quyền hạn của cơ quan điều tra chứ không sợ phán quyết của tòa, vì họ biết rằng những gì diễn ra trong giai đoạn điều tra mới quan trọng thực chất và mang tính quyết định về hình phạt

Trong khi đó ở Việt Nam luật quy định nhiều cơ quan đều được ra lệnh, bản chất là mở rộng phạm vi chủ thể có khả năng tước bỏ quyền con người, điều này thể hiện nhận thức coi trọng việc trấn áp xử lý tội phạm mà xem nhẹ quyền con người.

Tiếp thu những nguyên lý

Từ lâu nay tòa án yếu kém không đáp ứng được kỳ vọng của người dân, thẩm quyền của tòa án không đủ mạnh để có thể bảo trợ các quyền con người.

Trước thực trạng như vậy nhiều người đã nhận ra nhu cầu phải cải cách, song hễ đưa ra một đề xuất nào mới thì hay gặp ý kiến bác bỏ với lý do rằng mô hình hệ thống tư pháp ở ta khác với các nước nên không quy định thế.

Nhiều người do thiếu chiều sâu nhận thức nên hay lấy lý do có sự khác biệt về mô hình hệ thống nên khước từ tiếp nhận đổi mới, tạo chướng ngại cho cải cách.

Nếu cầu thị tiến bộ và thực tâm khát vọng xây dựng một nền tư pháp vận hành đảm bảo công lý thì thay vì bác bỏ mô hình này nọ hãy học hỏi từ các nước những nguyên lý nền tảng.

Những nguyên lý nào đã giúp các nước xây dựng lên các thiết chế với những mối tương quan quyền hạn trách nhiệm như vậy?

Chúng ta có giống họ ở những nguyên lý mong muốn đó không, nếu có thì để đạt hiệu quả chúng ta cũng phải học họ cách thức thiết lập quy trình thủ tục.

Vì khi con người giống nhau ở những mong muốn, như ngăn ngừa việc làm sai hay khích lệ điều làm đúng, thì cách thức tác động điều chỉnh cũng phải như nhau.

Để rõ hơn hãy lấy ví dụ về quyền im lặng.

Xuất phát từ nguyên lý rằng tính mạng, sức khỏe, danh dự con người được bảo đảm (cái này ta và họ giống nhau), cho nên trong tố tụng hình sự phải nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình.

Sau khi nghiên cứu kỹ người ta thấy rằng để đảm bảo mọi lời khai là tự nguyện, thì cách tốt nhất là cho bị can được quyền giữ im lặng. Một khi bị can đã được quyền im lặng thì có thể yên tâm nếu khai báo đó sẽ là sự tự nguyện. Để đảm bảo thêm cho điều này các nước quy định việc lấy lời khai phải có sự tham gia của luật sư, hoặc quá trình lấy lời khai phải được ghi âm ghi hình lại.

Đó là ví dụ cho thấy từ những nguyên lý nền tảng đã giúp định hình xây dựng lên các thiết chế hòng đạt được hiệu quả mục đích.



Yếu do bị chia quyền

Nếu coi tòa án là thiết chế bảo trợ cho các quyền con người thì khi xây dựng phải đảm bảo sao cho có đủ thẩm quyền khả năng để làm việc đó.

Thực tế lâu nay tòa án yếu quyền do bị chia quyền nên không là công cụ thiết chế đủ mạnh để bảo trợ cho quyền con người, không bênh vực bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

Điều này biểu hiện thấy ngay trong thực tế đời sống.

Trong tranh chấp dân sự người dân chỉ nghĩ đến tòa án như là giải pháp lựa chọn cuối cùng, đã có thống kê xã hội học cho thấy nhiều người tìm nhờ xã hội đen đòi nợ thuê có hiệu quả hơn con đường tòa án.

Trong tố tụng hình sự bị can e ngại quyền hạn của cơ quan điều tra chứ không sợ phán quyết của tòa, vì họ biết rằng những gì diễn ra trong giai đoạn điều tra mới quan trọng thực chất và mang tính quyết định về hình phạt, chứ không phải ở việc làm của tòa án.

Nhiều trường hợp người dân hay doanh nghiệp gánh chịu nỗi bất công từ những chủ thể lớn quyền hơn tòa án nên họ không có hy vọng gì ở tòa án.

Thực trạng này cần phải thay đổi, nay cần thiết kế bố trí lại các quyền cho tòa án.

Cần học tập các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc, sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự, thiết lập tòa án thành thiết chế trung tâm có khả năng kiểm soát các hoạt động tư pháp, tập trung nắm giữ các quyền về bắt giữ, khám xét và thu giữ đồ vật, không để bị chia quyền với các chủ thể khác.

Ls Ngô Ngọc Trai

(BBC)

Nguyễn Trọng Bình - Giải pháp nào cho chuyện nghịch lý ở Đồng Bằng sông Cửu Long?

Ngày 25/9/2015 vừa qua tại trường ĐH Cần Thơ, Bộ Gíao dục & Đào tạo phối hợp cùng Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức “Hội nghị tổng kết phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015”. Theo như tường thuật của báo Tuổi trẻ thì tại hội nghị này có một vấn đề quan trọng được hầu hết những người tham gia đồng tình và thống nhất... cao đó là: Cho đến tận bây giờ “Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là “vùng trũng” giáo dục của cả nước”.

Thật ra, nếu ai quan tâm đến sự phát triển chung của vùng ĐBSCL mấy mươi năm qua thì đây là một câu chuyện cũ, không có gì phải ngạc nhiên hay bất ngờ. Và có lẽ không riêng gì giáo dục mà tất cả các lĩnh khác (cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế, y tế, du lịch, công nghệ...) tất tần tật đều như vậy. 
Bởi một khi cái “chìa khóa giáo dục” đã bị gỉ sét thì làm sao mà tra vào mở các ổ khóa cho được. Âu cũng là quy luật tất yếu về thực trạng chung ở cái xứ sở này chứ không riêng gì vùng ĐBSCL.

Tuy vậy, cái quy luật tất yếu này nếu nhìn riêng ở vùng ĐBSCL có thể thấy bao hàm trong đó một nghịch lý chua xót và đớn đau. Hãy thử nghĩ xem, nếu không có những người dân thất học, quanh năm “tay lắm, chân bùn” ở ĐBSCL này thì Việt Nam có trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới không? Hóa ra mấy mươi năm qua, cái vùng trũng này lại chính là cái xương sống của cả nền kinh tế nông nghiệp; là cái “vựa lúa, vựa lương thực” của cả nước? Thế mới biết, tuy cũng là một thành viên trong gia đình nhưng lâu nay, “đứa con út” ĐBSCL không chỉ bị cha mẹ ruồng rẫy, thiếu quan tâm mà các anh, chị của “nó” cũng coi thường, khinh khi, luôn miệng bảo là dốt nát. Thế nhưng oái oăm là, khi cần chính “nó” chứ không phải ai khác được cha mẹ và các anh chị mang ra vinh danh như một niềm tự hào của cả dòng tộc?  

Nói điều này để thấy rằng, giờ đây nếu phải đặt lại vấn đề làm cách nào để giải cứu ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng giáo dục nhằm tiến đến giải cứu tất cả các lĩnh vực khác thiết nghĩ việc đầu tiên và quan trọng nhất đó là ở cấp “thượng tầng” có thật sự muốn vùng đất cực nam này phát triển hay không? Hay ngoài miệng thì “ĐBSCL là vùng đất đầy tiềm năng cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa” nhưng trên thực tế phải hiểu là “nói dzậy chứ không phải dzậy”? Nói cách khác, nếu muốn gỡ vướng cho ĐBSCL thì việc cần làm trước tiên nhất là phải dẹp bỏ thói ích kỷ, hẹp hòi; dẹp bỏ cái nhìn định kiến phân biệt vùng miền trong tư suy sau đó mới tính đến những giải pháp cụ thể khác. Vì nói cho cùng mọi chính sách hay ý tưởng để xây dựng và phát triển ĐBSCL nếu không xuất phát từ động cơ và cái tâm trong sáng sẽ không bao giờ thành công trong thực tế và đương nhiên  sẽ không tránh khỏi sự đàm tiếu và mất niềm tin từ phía người dân: hoặc đó là những chính sách mang màu sắc “lợi ích nhóm” hay tệ hơn nữa là một kiểu ban ơn trịch thượng dành cho người dân khu vực vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, tuy ĐBSCL là vùng trũng của cả nước về giáo dục nhưng do lối nghĩ, lối sống “thật thà như đếm”, “có sao nói vậy người ơi” (có thể xem như một căn tính văn hóa nổi trội) nên người dân nơi đây cho đến giờ ít nhiều vẫn còn duy trì thói quen không chịu gia nhập vô số những cuộc chạy đua rầm rộ để có những bản báo cáo thành tích thật đẹp trên giấy.

Từ đây, nếu nói mục tiêu và sứ mạng cao cả nhất của giáo dục là giúp con người hoàn thiện hơn về nhân cách và phẩm giá thì không nên chỉ nhìn vào những bản báo cáo với con số thống kê xơ cứng trên giấy (tỉ lệ giáo viên, học sinh giỏi cấp quốc gia, số lượng GS, TS cấp Nhà nước, tỉ lệ sinh viên/vạn dân... ở ĐBSCL thấp hơn so với các vùng miền khác) để rồi kết luận đây là vùng trũng. Nên nhớ rằng, sản phẩm của giáo dục là con người hay chính xác hơn là nhận thức của con người với những phẩm tính về trí tuệ và văn hóa.

Vì thế, nếu những giải pháp đưa ra mà bỏ qua hay không chú ý đến khía cạnh văn hóa nổi trội của con người nơi đây thì có khi sẽ là lợi bất cấp hại. Nếu như thế, thì thà để ĐBSCL mang tiếng bị “trũng” còn hơn là bị “lủng” (về đạo đức và văn hóa). Dù sao thì cái nghịch lý về “đứa con út” tuy “quê mùa, ít học” nhưng là niềm tự hào của dòng tộc vẫn dễ chấp nhận hơn cái nghịch lý toàn Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, PGS, GS... nhưng chỉ biết “chỉ tay năm ngón” và “chém gió” ào ào.
***
Nói tóm lại, giải pháp nào để giải cứu không chỉ giáo dục ở ĐBSCL mà còn ở tất cả các lĩnh vực khác là một vấn đề không mới. Tuy vậy, việc tìm câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề trên thì chưa bao giờ là chuyện thôi mang tính thời sự hiểu theo nghĩa những người chịu trách nhiệm chính ở đây là những ai, tầm tư duy như thế nào?

Chân thành mà nói, ĐBSCL (hay rộng hơn là đất nước này) muôn đời sẽ không bao giờ “cất cánh” nổi nếu những “bộ óc” lãnh, chỉ đạo chỉ có thể mở miệng ra và nói mấy câu quen thuộc như: “phải vận dụng sáng tạo Nghị quyết vào trong thực tiễn cuộc sống”; “phải huy động mọi nguồn lực của xã hội...”, “phải nâng cao hơn nữa sức chiến đấu...”, “phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc...”, “phải làm sao để nâng tầm giáo dục”...; và những cái đầu chỉ chăm chăm tìm cách xin tiền và “cơ chế đặc thù” để về xài cho... “hợp lý”, đặc biệt là chẳng quan tâm gì đến nỗi vất vả và thống khổ của đa phần người dân thất học, “tay lấm chân bùn” nơi đây.

-------------------

Nguồn tham khảo:

1. “ĐBSCL vẫn là vùng trũng về giáo dục” – Báo Tuổi trẻ, số ra ngày 25/9/2015. Xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150925/dbscl-van-la-vung-trung-ve-giao-duc/975019.html
2. “Gỡ vướng cho vùng trũng giáo dục ĐBSCL”. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 26/9/2015, xem tại  http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150926/go-vuong-cho-vung-trung-giao-duc-dbscl/975352.html
3. “Tranh luận về mở phân hiệu đại học”. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 27/9/2015, xem tại http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150927/tranh-luan-ve-mo-phan-hieu-dh/975709.html

 CT, 29/9/2015

NTB

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-9-15

(Viet-studies)

Toà nhà 8B Lê Trực: “Dự án được Bộ Quốc phòng cho phép“

toa nha, Le Truc, 8B, Ha Noi, co phan may, Bo quoc phong, giay phep


Theo Công ty Cổ phần May Lê Trực, toà nhà 8B Lê Trực đã được Bộ Quốc phòng cho phép về độ cao tĩnh không là 70 mét trên cốt đất tự nhiên 7 mét.

Liên quan đến dự án toà nhà số 8B Lê Trực, ngày 30.9, Phó TGĐ Công ty Cổ phần may Lê Trực Lê Văn Hùng đã có văn bản thông tin về dự án này.

Tại văn bản này, Công ty Cổ phần May Lê Trực cho hay Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở được phép xây dựng theo đúng quy định hiện hành của pháp luật về xây dựng.

Công ty Cổ phần May Lê Trực cho hay: "Dự án đã được Bộ Quốc phòng cho phép về độ cao tĩnh không là 70 mét trên cốt đất tự nhiên 7 mét".

Công ty này khẳng định: Công trình trên được các cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng phù hợp với quy hoạch chung và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trong một thông tin khác, 18h hôm qua, 30.9 - hạn chót của Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho hay ông đã ký vào văn bản báo cáo.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ đạo giao UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng tòa nhà.

Đến ngày 28.9, đoàn công tác liên ngành của Hà Nội đã xuống làm việc tại dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở tại số 8B Lê Trực.

Theo thông tin từ báo giới, căn cứ theo giấy phép xây dựng ngày 24.3.2014, do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn (nay đã nghỉ hưu) ký chấp thuận, Công ty cổ phần may Lê Trực được phép xây dựng trên lô đất này 3 công trình, gồm 1 trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán hoặc cho thuê và 2 nhà vườn.

Trong giấy phép, trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở có chiều cao hơn 50m, diện tích xây dựng gần 1.800m2. Dự án có tên là Discovery Complex II, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô.

Tổng diện tích mặt sàn tòa nhà rộng gần 30.000m2 (chưa kể 4 tầng hầm), trong đó 5 tầng làm trung tâm thương mại, từ tầng 6 trở lên là căn hộ để bán hoặc cho thuê.

Tuệ Minh

(Một Thế Giới)

Lại nổ bom tại Quảng Tây, Trung Quốc

                                          Các quả bom có sức công phá khá lớn

Một vụ nổ bom mới lại xảy ra một ngày sau khi một loạt các vụ nổ ở Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây, làm bảy người chết.

Vụ mới nhất xảy ra tại một ngôi nhà vào lúc 08:00 giờ sáng giờ địa phương (07:00 giờ sáng 1/10 giờ Hà Nội), theo báo chí nhà nước.

Nguyên nhân gây nổ chưa được thông báo và cũng chưa có ai thương vong.

Hôm thứ Tư 30/9, ít nhất bảy người chết và hàng chục người bị thương trong các vụ nổ ở Liễu Châu.
17 quả bom phát nổ tại nhiều nơi trong huyện Liễu Thành, trong đó có nhiều tòa nhà của chính quyền.

Các bức hình được đăng trên mạng cho thấy khói mù mịt bốc lên từ một tòa nhà đã đổ một phần.
Nhà chức trách nói họ không cho đây là tấn công khủng bố. Một người đàn ông 33 tuổi đã bị bắt vì tình nghi liên quan.

Nghi phạm này có họ là Vi, theo tờ Quảng Tây Nhật báo của nhà nước.

Trong số các tòa nhà bị bom có một nhà tù và một siêu thị.

Các bức hình chưa kiểm chứng được đăng trên mạng xã hội cho thấy thiệt hại khá đáng kể mà bom gây ra. Trong một bức, một tòa nhà 5 tầng bị phá hủy gần như hoàn toàn.

Mảnh vỡ rơi khắp nơi trên một diện rộng.

Một thông báo của cảnh sát nói trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ buổi chiều, hơn một chục vụ nổ xảy ra bên trong và xung quanh thị trấn Đại Bộ.

Chính quyền địa phương nói họ đang điều tra khả năng là bom được đặt vào trong các bưu kiện rồi gửi đi.

Phóng viên BBC tại Bắc Kinh John Sudworth nói nhiều vụ tấn công các mục tiêu công cộng ở Trung Quốc là do các cá nhân thực hiện với lý do bức xúc, tư thù hay bị bệnh.

                                                      Hiện trường một vụ nổ bom

(BBC)

Ai chủ mưu đằng sau 17 vụ nổ liên hoàn ở Quảng Tây?

Sự cố những vụ nổ ở Quảng Tây do ai chủ mưu là vấn đề mà truyền thông và người dân đại lục đang quan tâm. (Ảnh: internet)
Sự cố những vụ nổ ở Quảng Tây do ai chủ mưu là vấn đề mà truyền thông và người dân đại lục đang quan tâm. (Ảnh: internet)

Câu hỏi ai là kẻ chủ mưu đằng sau 17 vụ nổ liên hoàn ở tỉnh Quảng Tây đang là vấn đề được mọi người quan tâm. Bốn tiếng sau vụ nổ, trang Jiemian.com dẫn lại lời từ Tân Hoa Xã rằng đối tượng nghi ngờ là một người đàn ông tên Vi Mỗ Mỗ, nhưng nhiều người băn khoăn rằng liệu một người có thể gây ra tình trạng nổ liên tục mang quy mô lớn như vậy hay không.

Từ 15 – 17 giờ ngày 30/7, tại huyện Liễu Thành tỉnh Quảng Tây liên tục xảy ra 17 vụ nổ, địa điểm gồm khu buôn bán, nhà giam, chính quyền trấn Đại Bộ, siêu thị, bến xe, bệnh viện, ký túc xá, cục chăn nuôi, chợ, trung tâm phòng bệnh.

Sau vụ nổ không lâu, báo Tân Kinh ở đại lục đưa tin, cảnh sát Liễu Châu tỉnh Quảng Tây cho biết đã xác định được toàn bộ 17 vụ nổ này thuộc cùng một vụ án hình sự, kẻ đáng nghi hàng đầu là Vi Mỗ Mỗ (nam, 33 tuổi, người trấn Đại Bộ huyện Liễu Thành).

Trang Jiemian.com cũng thuật lại thông tin từ nội bộ ngành công an cho biết, kẻ gây án vì bất đồng với giới thầy thuốc nên trả thù xã hội.

Nhưng thông tin này vừa được đưa ra không lâu thì trên mạng Weibo lại đưa tin Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) cho biết phía cảnh sát điều tra xác định thông tin trên là không xác thực.

Sau đó trang tin Boxun lại đưa tin độc đáo cho rằng Vi Mỗ Mỗ vì bị giới quan chức đè đầu cưỡi cổ không chịu được nên đã trả thù. Thông tin cho biết, huyện Liễu Thành khi kiến thiết tu sửa quảng trường đã cưỡng ép giải tỏa nhà dân trắng trợn và bị người dân chống lại, sau đó có một số người bị chính quyền áp bức. Vi Mỗ Mỗ là một trong số người bị hại, anh ta đã gây ra vụ kinh thiên động địa này để phản ứng trả thù chính quyền và ngành tư pháp bất công.

Về việc này nhiều người nghi ngờ cho rằng với khả năng kỹ thuật chuyên nghiệp gây ra hàng loạt vụ nổ cường độ mạnh như thế cùng trình tự sắp xếp vụ nổ như vậy có vẻ không phải hành vi của một cá nhân.

Trung tâm Thông tin Nhân quyền Trung Quốc (hkhkhk.com) dẫn lời một nhân sĩ cho rằng, chính quyền đã xác định sự kiện vụ nổ là do phần tử thuộc phong trào đòi độc lập ở Tân Cương gây ra, hiện không khí căng thẳng đang bao trùm các thành phố lớn ở Trung Quốc, cảnh sát đang tập kết chờ lệnh. Thông tin cũng nhận định, vụ nổ lần này được bố trí tinh vi, có khả năng do tổ chức hơn 10 người cùng hành động.

Theo tin i-cable.com (Hồng Kông) dẫn lời chuyên gia chống khủng bố phân tích cho rằng, từ chọn lựa địa điểm và quy mô cho thấy đây không phải phần tử khủng bố quốc tế, hoặc thế lực ly khai dân tộc phát động, khả năng lớn là do phần tử bất mãn xã hội gây ra.

Ông Lý Vĩ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Hiện đại cho biết: “Nếu chuyện này có liên quan tới phần tử khủng bố ở Tân Cương thì sẽ tập trung ở những nơi có người đông đúc để gây thương vong quy mô lớn. Nhìn từ góc độ này chúng tôi cho rằng chúng sẽ gây hiệu ứng mạnh hơn để thể hiện sự bất mãn với chính phủ hoặc trả thù xã hội.”

Bộ thông tin quản lý nghiêm ngặt tin tức về vụ nổ

Economic Daily News đưa tin, có thông tin cho biết, Bộ thông tin Trung Quốc đã yêu cầu truyền thông không được tự tiện đưa tin về vụ nổ, không được xây dựng chuyên đề, nếu như muốn đưa tin, thì phải lấy tin từ “Tân Hoa Xã” làm chuẩn.

Sau 6h chiều ngày 30, các kênh truyền thông vốn đã đưa tin về vụ nổ như Sina, Thepaper của Thượng Hải… đều lần lượt được gỡ bỏ. Còn “Phoenix” vốn được coi là Truyền hình Trung ương thứ 2 của Trung Quốc, cũng lập tức gỡ bỏ tin tức báo cáo về vụ nổ trên mạng.

Theo secretchina

Tinh Vệ biên dịch

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Nghị sĩ cá biệt Campuchia vẫn chống phá Hun Sen bằng bản đồ biên giới Tây Nam

Đó là sự hiểu biết tai hại do thiếu thông tin, nghiên cứu biên giới một cách khoa học, khách quan và cầu thị, không nắm được quy trình hoạch định phân giới.

        Um Sam An trả lời phỏng vấn Đài tiếng nói Hoa Kỳ phiên bản tiếng Khmer. Ảnh: VOA Khmer.

The Cambodia Daily ngày 30/9 đưa tin, 2 tuần sau khi lãnh đạo phe đối lập CNRP Sam Rainsy nói ông sẽ ra lệnh cho các nhà lập pháp đảng này ngừng tấn công chính phủ về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia, một nghị sĩ của CNRP đang (lẩn trốn) ở Hoa Kỳ - Um Sam An tuyên bố sẽ tiếp tục tuyên truyền cho người Campuchia sinh sống tại Mỹ rằng, bản đồ CPP và Thủ tướng Hun Sen dùng phân giới cắm mốc với Việt Nam là "bất hợp pháp"?!

Lập luận của Um Sam An đưa ra lần này không phải là "bản đồ giả" sau khi Thủ tướng Hun Sen đã cho công khai đối chiếu bản đồ từ các nguồn khác nhau gồm CPP, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ, Liên Hợp Quốc và Pháp cho thấy không có sự khác biệt nào.

Um Sam An nói: "Tôi nói bản đồ của chính phủ là bất hợp pháp vì những bản đồ này khác với bản đồ quy định tại Điều 2 Hiến pháp. Điều này nói rằng chúng tôi phải sử dụng các bản đồ Bonne tỉ lệ 1:100.000 nhưng chính phủ lại sử dụng bản đồ UTM tỉ lệ 1:50.000 để cắm mốc biên giới ngoài thực địa".

"Một trong những điều quan trọng nhất tôi nói với anh chị em ở Mỹ của chúng tôi là, chính phủ đã không sử dụng bản đồ thừa kế bởi người Pháp mà sử dụng bản đồ thừa kế bởi người Yuon trong những năm 1980. Nếu có cái gì đó sai, ngay cả với vết mực của một nét bút, nó có thể bằng 100 mét trên thực địa", Um Sam An lập luận với ngôn từ xúc phạm, miệt thị khi nói đến người Việt.

Người phát ngôn của đảng CPP cầm quyền Sok Eysan bình luận: "Tôi không phải là một chuyên gia bản đồ, nhưng những gì tôi biết là chính phủ đã sử dụng 26 mảnh bản đồ Bonne làm nguyên tắc quan trọng để đo lường, phân định các cột mốc biên giới giữa Campuchia và Việt Nam.

Tuy nhiên đối với những điểm không rõ ràng, bản đồ Bonne tỉ lệ 1:100.000 thực sự quá bé và cần bản đồ UTM 1:50.000 độ phân giải lớn hơn để trợ giúp để chúng ta có thể nhìn thấy những con đê, các dòng suối, ngôi chùa và đường giao thông. Khi ông Um Sam An cáo buộc chính phủ sử dụng bản đồ bất hợp pháp, nó có nghĩa là ông ta đang cáo buộc Nhà vua và Quốc hội", ông Sok Eysan cho biết.

Việc có bắt giữ Um Sam An sau khi về nước vì tội tuyên truyền chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia bằng thủ đoạn bản đồ như tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen trước đó hay không, ông Sok Eysan nói cứ đợi Um Sam An về nước sẽ rõ.

Um Sam An đã nhanh chóng rời khỏi Campuchia sang Hoa Kỳ sau khi đồng nghiệp của mình, Thượng nghị sĩ Hong Sokhour bị bắt vì ngụy tạo bản đồ, tài liệu xuyên tạc các hiệp ước biên giới giữa Việt Nam và Campuchia hôm 15/8.

Sang đến Mỹ, Um Sam An thanh minh rằng mình không chạy trốn, chỉ đi giải quyết công việc. Đây cũng là nghị sĩ cá biệt của phe đối lập thường xuyên dẫn theo những nhóm người quá khích chống phá biên giới với Việt Nam đoạn giáp tỉnh Long An trong tháng 5, tháng 6 vừa qua - PV.

                            Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.

Bình luận về động thái này, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ cho biết:

Những phát biểu của ông Um Sam An cho thấy ông ta không hiểu gì về nguyên tắc, quy trình hoạch định phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia. Um Sam An nói về bản đồ mà càng không hiểu gì về bản đồ biên giới. Ông ta lo sợ một nét bút vạch sai trên bản đồ có thể sai hàng trăm mét trên thực địa, trong khi một sự thật hiển nhiên rõ ràng là bản đồ càng nhỏ thì tỉ lệ sai số càng lớn khi phiên ra thực địa.

Đó là lý do tại sao ở những điểm có nhận thức khác nhau, cần sử dụng bản đồ có độ phân giải lớn hơn để hoạch định biên giới. Hai bên đã nhóm họp và thống nhất sử dụng bản đồ UTM của quân đội Hoa Kỳ. Tuy nhiên để giải đáp những câu hỏi dư luận đặt ra về nguyên tắc, quy trình hoạch định phân giới cắm mốc, đặc biệt là sử dụng bản đồ hoạch định biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia, tôi xin nhắc lại như sau:

Thời kỳ Pháp cai trị Đông Dương, Chính quyền thực dân Pháp đã thực hiện các thủ tục pháp lý hoạch định biên giới Việt Nam - Campuchia như sau:

Phân định đoạn biên giới phía Bắc (Trung Kì- Cao miên) bằng Nghị định của Toàn quyền Đông Dương (1904. 1905).

Phân định đoạn biên giới phía Nam (Nam Kì- Cao Miên) bằng Công ước Pháp-Campuchia (1870 và 1873) sửa đổi bổ sung bằng Nghị định năm 1893 của Thống đốc nam kỳ và Nghị định của Toàn quyên Đông dương năm 1914.

Toàn bộ đường biên giới được thể hiện tương đối đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản từ năm 1929 đến năm 1954.

Tuy nhiên, tình hình chính trị, xã hội có nhiều diễn biến phức tạp kể từ sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương. Vấn đề biên giới, lãnh thổ có liên quan giữa 2 nước vẫn luôn luôn ở trong tình trạng bất ổn, thỉnh thoảng nổi lên những tranh chấp, xung đột nghiêm trọng.

Tình trạng đó kéo dài cho đến thời kỳ sau khi bè lũ diệt chủng Polpot bị lật đổ và sự ra đời của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia, và sau này là Vương quốc Campuchia.

Ngày  27/12/1985, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới giữa hai nước. Theo Hiệp ước 1985, hai bên dự kiến cắm 322 mốc trên đường biên giới dài 1.137km.

Ngày 10/10/2005, Thủ tướng chính phủ hai nước ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985. Từ tháng 6/2006 tiến hành đàm phán phân giới cắm mốc trên thực địa được tiếp tục thực hiện

Hiệp ước Bổ sung được Quốc hội 2 nước phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế. Hiệp ước có 04 nội dung cơ bản:

Một là: Hai bên thống nhất điều chỉnh 06 điểm trên tuyến biên giới, trong đó 03 điểm do sai sót kỹ thuật bản đồ và 03 điểm ở An Giang lâu nay vốn của Việt Nam hoặc của Campuchia nhưng lại không được thể hiện trên bản đồ Hiệp ước năm 1985.

Riêng khu vực Bu Prăng (thuộc tỉnh Đắc Nông ngày nay), phía ta khẳng định là của Việt Nam, nhưng nhằm không để vấn đề này cản trở tiến trình phân giới cắm mốc, ta đã đồng ý ghi vào Hiệp ước bổ sung là "Hai bên tiếp tục thảo luận" vấn đề này.

Hai là: Điều chỉnh đường biên giới trên sông suối biên giới theo nguyên tắc luật pháp và thực tiễn quốc tế, áp dụng nguyên tắc trung tuyến dòng chảy.

Ba là: Mỗi bên tự rà soát việc chuyển vẽ đường biên giới từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000, sau đó đối chiếu kết quả để thống nhất một đường biên giới trên bản đồ.

     Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại lễ khánh thành cột mốc 314.

Bốn là: Hai bên đã cam kết hoàn thành phân giới cắm mốc trước tháng 12/2008. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế, sau khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) thắng cử, 2 bên đã thống nhất điều chỉnh kế hoạch phân giới cắm mốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2012.

Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã thực hiện được 78% khối lượng công việc. Đã cắm đước các mốc giới ở hầu hết các địa điểm quan trọng như: cửa khẩu, nơi có đường giao thông cắt qua biên giới, nơi có dân cư tập trung sinh sống và canh tác, đặc biệt là cắm được cột mốc ở ngã 3 biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia và mốc cuối cùng của biên giới đất liền, mốc số 314 được cắm trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen ngày 24 tháng 6 năm 2012.  

Như vậy có thể thấy rõ việc sử dụng bản đồ trong hoạch định, phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam - Campuchia hoàn toàn hợp pháp, hợp lý và không có gì trái với quy định Điều 2 Hiến pháp Campuchia.

 Hồng Thủy

(Giáo Dục)

Huỳnh Ngọc Chênh - Hưởng thụ dân chủ

Em Beo Hồng là một trong số 3 triệu người gốc Việt ở Mỹ và Châu Âu đang hít thở bầu không khí tự do dân chủ, được tự do làm ăn, tự do đi lại, tự do phát ngôn, tự do bầu cử, tự do lựa chọn hoặc đạp đổ người lãnh đạo cao nhất, thậm chí bản thân họ đủ kiều kiện pháp lý cũng có thể tự do đứng ra ứng cử vào bộ máy cầm quyền để người khác lựa chọn mình. Tóm lại có ít nhất 3 triệu người Việt ở hải ngoại đang hưởng thụ dân chủ.


Họ được hưởng thụ cái mà dân Châu Âu phải đổ máu rất nhiều qua các cuộc cách mạng, dân Mỹ phải hy sinh hàng chục vạn người trong cuộc chiến giành độc lập và hy sinh hàng chục vạn người khác trong cuôc nội chiến vì giải phóng nô lệ mới có được.

Không phải tất cả 3 triệu người Việt đang hưởng thụ dân chủ đó đều là những chiến sĩ đấu tranh dân chủ hay những nhà dân chủ, thậm chí có rất nhiều người còn không biết khái niệm dân chủ là gì nữa kia, mặc dù họ đang hít thở nó như đang hít thở không khí (để đến khi nào thiếu không khí thì họ mới hiểu ra sự ngạt thở vì thiếu dân chủ như thế nào).

Nhưng nghịch lý nhất là những người như Beo Hồng, số nầy không phải là ít, quyết liệt chống phá dân chủ, chống phá những người đấu tranh dân chủ trong nước, suy tôn chế độc độc tài...nhưng rồi lại đi ra nước ngoài hưởng thụ dân chủ.

Rồi lại có những cậu ấm, cô chiêu con cái của các vị đang tham gia vào bộ máy cầm quyền, bộ máy quyết liệt tiêu diệt mầm mống dân chủ, đàn áp khốc liệt những người đấu tranh dân chủ, lại được ra nước ngoài hưởng thụ dân chủ hoặc ít ra hưởng thụ nền giáo dục dân chủ.

Những cậu ấm cô chiêu nầy cũng có người ở lại để thành công dân nước dân chủ, nhưng phần lớn thì quay về để tiếp tục nối nghiệp cha mẹ tham gia vào guồng máy cầm quyền để chống lại dân chủ, để đàn áp quyết liệt những người đấu tranh dân chủ trong nước...rồi kiếm nhiều tiền và nhiều quyền để gởi con cháu mình đi hưởng thụ dân chủ ở nước ngoài...

Những người Việt hải ngoại đang hưởng thụ dân chủ không phải đổ máu để xây dựng nên nền dân chủ ở nước sở tại, nhưng phần lớn họ phải đổ máu và nước mắt mới đến được xứ sở dân chủ. Phần còn lại phải mua bằng tiền.

Những người chống phá dân chủ như Beo Hồng và các cậu ấm cô chiêu thì chắc chắn phải mua bằng tiền mới cập được bến bờ dân chủ. Mua rất nhiều tiền.

Tiền ấy ở đâu ra?

Đó là những đồng tiền máu của nhân dân. Chắc chắn vậy phải không các bạn?


Huỳnh Ngọc Chênh 

(Dân Quyền)

Vụ nổ liên hoàn ở Quảng Tây: Thông tin không đồng nhất, báo chính thống đồng loạt gỡ bài, người dân hoang mang lo sợ

Chiều ngày 30/9, huyện Liễu Thành, Quảng Tây chỉ trong vòng 2 tiếng đã có 13 vụ nổ. Người dân Trung Quốc hoài nghi: "Liệu một người nông dân có thể tạo ra 17 vụ nổ liên hoàn, khiến huyện Liễu Thành biến thành đống đổ nát như này hay không?" (Ảnh: Internet)
Chiều ngày 30/9, huyện Liễu Thành, Quảng Tây chỉ trong vòng 2 tiếng đã có 13 vụ nổ. Người dân Trung Quốc hoài nghi: "Liệu một người nông dân có thể tạo ra 17 vụ nổ liên hoàn, khiến huyện Liễu Thành biến thành đống đổ nát như này hay không?" (Ảnh: Internet)

Chiều ngày 30/9, tại huyện Liễu Thành, Quảng Tây đã xảy ra vụ nổ liên hoàn tại khắp các nơi trong huyện như khu thương mại, trụ sở chính quyền, trường học… Chỉ trong vòng 2 tiếng, cảnh sát đã nhận được báo cáo về 13 vụ nổ. Chỉ vài phút sau, cảnh sát huyện Liễu Thành đã xác minh có tổng cộng 17 vụ nổ, khiến 7 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 51 người bị thương. Thông tin ban đầu cho thấy đây là vụ nổ bom thư, người dân địa phương vẫn sống trong tâm lý sợ hãi và hoảng loạn.

Thông tin từ Công an huyện Liễu Thành cho biết, trong khoảng thời gian từ 15h15 đến 17h ngày 30, đã xảy ra các vụ nổ tại khắp nơi trong huyện. Cảnh sát nhận được báo cáo tổng cộng có 17 vụ nổ tại các nơi như trung tâm thương mại, trại giam, trụ sở chính quyền, bến xe, bệnh viện, siêu thị…

Chỉ mấy tiếng sau, công an địa phương đã công bố nghi phạm của vụ án, một nông dân tên Vi Mỗ Mỗ 33 tuổi, là người tại thị trấn Đại Bộ huyện Liễu Thành đã bị bắt. Thông tin này không đồng nhất với truyền thông nhà nước. Bộ thông tin Trung Quốc cũng nhận được mật lệnh, yêu cầu truyền thông đại lục đồng nhất về thông tin. Người dân Trung Quốc hoài nghi: “Liệu một người nông dân có thể tạo ra 17 vụ nổ liên hoàn, khiến huyện Liễu Thành biến thành đống đổ nát như này hay không?”

Tạm dừng toàn bộ hoạt động chuyển phát nhanh tại Quảng Tây

Chiều ngày 30, các vụ nổ liên hoàn xảy ra khắp huyện Liễu Thành, toàn bộ khu vực đều nghe thấy những tiếng nổ lớn. Khi sự việc phát sinh người dân địa phương liên tục nhắn tin thông báo, nhắc nhở không mở bất kỳ bưu kiện chuyển phát nhanh nào.

Anh Ngụy, một nhân viên bưu điện cho phóng viên Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung biết, khi anh đang đi đưa thư, đột nhiên nghe thấy 2 tiếng nổ lớn, có người còn nói với anh rằng: “Bưu kiện chuyển phát nhanh nổ rồi.” Khi đó anh hoàn toàn không tin, không thể có chuyện đó được, cùng lúc, anh nhận được điện thoại của cấp trên, yêu cầu dừng ngay việc chuyển phát thư.

Trước ngày 1/10, tại huyện Liễu Thành, Quảng Tây, chỉ trong khoảng 2 tiếng, đã có 17 vụ nổ liên hoàn tại trụ sở chính quyền, bệnh viện, bến xe... (Ảnh: Internet)
Trước ngày 1/10, tại huyện Liễu Thành, Quảng Tây, chỉ trong khoảng 2 tiếng, đã có 17 vụ nổ liên hoàn tại trụ sở chính quyền, bệnh viện, bến xe… (Ảnh: Internet)

150930113741941--ss1
                                                       Hiện trường vụ nổ (Ảnh: internet)

Anh Ngụy còn cho biết thêm, hiện cảnh sát cũng đã can thiệp vào hoạt động chuyển phát thư, tất cả các bưu kiện đều phải thông qua sự kiểm tra của cảnh sát.

Anh ngụy cho rằng, công ty chuyển phát nhanh không liên quan gì đến việc này. Anh nhận được thông tin, hiện cảnh sát đã phát hiện ra có người lấy xe ô tô chuyển phát nhanh để đi đưa thư mà không phải là nhân viên của công ty, thậm chí là nhiều xe ô tô cùng lúc tiến vào thành phố và gây án cùng một thời điểm. Nhưng thông tin này vẫn chưa được chính quyền xác minh.

Nhân viên bệnh viện huyện Liễu Thành cho biết, hiện tại bệnh viện đã tiếp nhận khoảng hơn 50 người bị thương, đến từ các nơi khác nhau trong huyện. Các bác sĩ vẫn đang tiến hành công tác cấp cứu, hiện vẫn chưa có thông kê cụ thể về số người thương vong.

Phóng viên truyền hình Quảng Tây đã đến hiện trường sau khi vụ nổ xảy ra cho biết, thông thường trên đường phố rất đông đúc nhộn nhịp, nhưng hiện giờ các quán đều đã đóng cửa, người đi lại thưa thớt, nhiều con phố nơi xảy ra vụ nổ đã bị cảnh sát hạn chế đi lại. Cảnh sát cho biết, hiện một vài nơi vẫn còn có những bưu phẩm đáng nghi. Trên đường phố liên tục có xe cảnh sát rú còi chạy qua.

Một cảnh sát giấu tên đã nói với phóng viên Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, hiện nay anh rất bận, không có thời gian để trả lời, con số thương vong vẫn đang được thống kê, muốn tìm hiểu tình hình cụ thể xin hãy xem thông báo trên mạng.

Giám đốc Công an thành phố Liễu Châu, ông Chu Trường Thanh cho biết vụ nổ là do nhiều bom thư nhỏ được đựng trong một bưu kiện lớn đồng thời bị kích nổ, xem xét sơ bộ đây là vụ án hình sự, thủ phạm gây án và động cơ vẫn đang trong quá trình điều tra.

Theo “Xinshe” đưa tin, công an huyện Liễu Thành hiện tại đã phát hiện 60 bưu kiện khả nghi, tất cả đều do người dân gọi điện báo. Trước mắt họ đã cử cảnh sát đi bảo vệ chờ nhân viên tháo dỡ bom mìn đến xử lý.

Bộ thông tin quản lý nghiêm nghặt tin tức về vụ nổ

Economic Daily News đưa tin, có thông tin cho biết, Bộ thông tin Trung Quốc đã yêu cầu truyền thông không được tự tiện đưa tin về vụ nổ, không được xây dựng chuyên đề, nếu như muốn đưa tin, thì phải lấy tin từ “Tân Hoa Xã” làm chuẩn.

Sau 6h chiều ngày 30, các kênh truyền thông vốn đã đưa tin về vụ nổ như Sina, Thepaper của Thượng Hải… đều lần lượt được gỡ bỏ. Còn “Phoenix” vốn được coi là Truyền hình Trung ương thứ 2 của Trung Quốc, cũng lập tức gỡ bỏ tin tức báo cáo về vụ nổ trên mạng.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung

Thiên Minh biên dịch

(Đại Kỷ Nguyên VN)

Cuộc sống của người Việt Nam vào 100 năm trước

Bạn tự đã bao giờ tìm hiểu về cuộc sống của người Việt trong 100 năm trước trông thế nào chưa. Đây là những bức ảnh chụp Việt Nam vào 100 năm trước. Bộ ảnh này sẽ khiến bạn đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiêu khác bởi bố cục trình bày của tác giả, nó sẽ cho chúng ta những trải nghiệm chân thật về Việt Nam thời xa xưa.

Trong khoảng thời gian từ năm 1914 – 1917, nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy được cử đến Việt Nam để ghi lại hơn 1.000 tấm ảnh màu quý giá về Hà Nội.

Những bức ảnh của Leon Busy thể hiện sự tôn trọng và mối giao cảm với người được chụp. Những hình ảnh “biết nói” của ông bộc lộ cái tâm của người nhiếp ảnh với sự quan sát kỹ lưỡng.

Leon Busy không nhìn cảnh quan với con mắt một người Pháp thực dân. Có lẽ vì thế ông đã vượt qua những người đi trước, đã chụp về Việt Nam như Pierre Dieulefils, Charles Edourd Hocquard và Fiermin Andre Salles …

Sự tinh tế tới từ các bức ảnh thể hiện góc nhìn và rung cảm nghệ sĩ của Leon Busy với cách sử lý ánh sáng khéo léo đã cho ra đời bộ tác phẩm điển hình cho các hoạ sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương.

Dưới đây là một số hình ảnh được trưng bày tại viện bảo tàng Albert Kahn ở Pháp.

Phong cảnh

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                            Trụ cổng đền Quán Thánh và bến đò bên Hồ Tây

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                           Văn Miếu

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                          Hồ Gươm lặng lẽ

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                   Lối vào đền Linh Lang

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                    Góc phố Tràng Tiền

Con người

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                       Nấu cơm bếp củi

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                 Giữa sân phơi vào vụ gặt

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                              Cấy lúa

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                      Cô bé chăn trâu

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                  Quán ăn trên đường quê.

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                          Quán nước và hàng quà rong.

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                              Bật bông

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                                 Quay tơ

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                          Chơi bài

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                  Chức sắc của huyện                                               

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                Gia đình quan chức Hà Nội

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                         Một gia đình khá giả năm 1915

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                      Những cô gái trẻ

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                       Hai cô gái trong trang phục truyền thống của phụ nữ Bắc Bộ thời bấy giờ.

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                 Hai người phụ nữ sau khi hái rau muống về. Hàng Trống

Văn hóa

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                  Diễn viên tuồng của làng

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                            Nghệ sĩ vẽ tranh Hàng Trống

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                       Hàng đồ chơi.

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                                         Phố Hàng Đồng

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                                         Lồng đèn và đồ chơi phố Hàng Mã.

Việt Nam, Bài chọn lọc, ảnh chụp, 100 năm,
                                         Hàng bán câu đối Tết với hình ảnh thầy đồ ngồi viết chữ.

Tổng hợp theo BBC, VOV

(Tinh Hoa)